“Mắt biếc” chào hàng cùng thời điểm với “Chị chị em em”. Trong khi porter “Chị chị em em” câu khách bằng hình ảnh gợi chuyện tình bách hợp: Nàng Nhi (Chi Pu đóng) “nóng rẫy” bên nàng Thiên Kim (Thanh Hằng đóng) thì poster “Mắt biếc” lại trong sáng hết nấc. Thế mà “Mắt biếc” vượt mặt “Chị chị em em”. Một bộ phim không có lấy một nụ hôn đúng nghĩa lại chiến thắng bộ phim thừa cảnh nóng. Phải chăng “thượng đế” đã “no xôi, chán chè”? (Ngay cả những bộ phim gây tiếng vang nhờ “rinh” giải quốc tế lại kèm “cảnh nóng” rất ra gì như “Đảo của dân ngụ cư” vẫn không đủ sức làm nóng phòng vé).
Đã lâu lắm mới có một bộ phim Việt khiến người ta lao xao bàn luận khen, chê từ khi chưa ra mắt như “Mắt biếc”. Có người vì quá yêu truyện “Mắt biếc” đã không tin Victor Vũ đủ tài để đưa tác phẩm này lên phim mà vẫn giữ nguyên dư vị. Vì thế, ngay khi phim chưa ra, họ đã tuyên bố không đi xem để nâng niu cảm xúc với “con cưng” của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng những người cự tuyệt phim “Mắt biếc” không quá nhiều nên Victor Vũ vẫn thắng to.
Những người khen “Mắt biếc” thường thuộc “Phe nước mắt”: “mình gần như không khóc khi xem phim. Tuy nhiên, trong 2 giờ ngồi trong rạp, có 2 lần mình đã cảm thấy cay mũi. Lần đầu tiên, đó là cuộc đối thoại của Ngạn và Hà Lan, khi Ngạn cố gắng- cố gắng trong vô vọng- để khuyên Hà Lan về lại làng Đo Đo, để Ngạn có thể chăm sóc cho người mình thương, và để Ngạn, Hà Lan và Trà Long có thể là một gia đình”, một khán giả ghi lại cảm xúc khi xem phim.
Cảnh thứ 2 khiến anh rơi nước mắt, chắc chắn cũng là cảnh khiến rất nhiều khán giả sụt sịt: “Cảnh kết phim, khi Ngạn quyết định rời khỏi làng Đo Đo, bỏ lại tình yêu với Hà Lan và bỏ lại cả những tâm tình mà Trà Long dành cho mình. Hình ảnh Hà Lan chạy theo đoàn tàu của Ngạn, trong nền nhạc của “Có chàng trai viết lên cây” vang lên cùng với câu nói thổn thức của Trà Long: “Có hai điều chúng ta không nên bỏ lỡ, đó là chuyến xe cuối cùng và người yêu mình thật lòng”. Fan của Nguyễn Nhật Ánh đã dự đoán từ trước khi phim ra lò: “Mắt biếc” sẽ biến rạp thành dòng sông nước mắt. Quả không sai!
Nhưng cũng không ít người kêu “đứa con” của Victor Vũ “max mệt”. Nhân vật chính Ngạn, bị chê nhu nhược, ấm ớ “chẳng dám thẳng thắn biểu lộ một lần, không dám vì tình yêu của mình mà tranh đấu một lần, tranh đấu thì không tranh đấu, nhường nhịn cũng không ra nhường nhịn, buông bỏ cũng chẳng buông bỏ”, một khán giả nữ bình luận.
Ngay cảnh Hà Lan chạy theo đoàn tàu chở Ngạn xa rời làng Đo Đo cũng bị một số người chê nhảm. Người khác nói, cảnh đó không đúng với sự phát triển tâm lí của nhân vật. Hà Lan không yêu Ngạn, không thể chỉ vì một câu nói của con gái Trà Long (“Không nên bỏ lỡ chuyến xe cuối cùng và người yêu mình thật lòng”), mà lập tức chạy ầm ầm đuổi theo chuyến tàu chở Ngạn.
Một khán giả nghi ngờ: Victor Vũ và đội ngũ làm kịch bản “nghiền nát” tác phẩm kinh điển “Cuốn theo chiều gió” nên kết thúc có hơi hướng ấy. Hà Lan đuổi theo Ngạn như Scarlett đuổi theo Rhett Butler. Nhiều người cũng không hài lòng khi Victor Vũ để Ngạn khóc quá nhiều: “Phim một tiếng rưỡi mà Ngạn khóc nhiều đến mức mắt còn biếc hơn cả Hà Lan”, một độc giả châm biếm. Ngay đến nhà phê bình Văn Giá cũng phải than: “Đàn ông đàn ang 35 tuổi rồi mà còn khóc nức nở trên chuyến tàu rời làng Đo Đo. Lẽ ra cho tiết chế bớt, sẽ gây xúc động hơn”.
Khi phim “Mắt biếc” chưa thành hình hài, độc giả của Nguyễn Nhật Ánh đã lo: Khéo lên phim lại mất chất thành ra thứ ngôn tình dễ dãi. Điều đó không hẳn không có lí. Phim xuất hiện thêm nhân vật nữ tên Hồng, Hồng đeo đuổi Ngạn lâu năm không kém Ngạn đeo đuổi Hà Lan. Một fan của Nguyễn Nhật Ánh bình luận về nhân vật Hồng: “Phim lược bớt thời thơ ấu, nên phải vẽ rắn thêm chân”. Ý kiến khác: “Dường như Victor Vũ lo ngại khán giả đánh giá sự si tình của Ngạn là điều bất bình thường nên cần có Hồng si tình tương tự”.
Cũng không ít người thấy lạ khi “tây” như Victor Vũ phải vận đến thiên nhiên để diễn tả lòng người không khác gì văn chương thời các cụ nhà ta. Nhà phê bình Văn Giá bình: “Đã đành là Huế mưa nhiều, nhưng đâu nhất thiết phải đưa nhiều mưa vào phim”. Ngoài ra, bạn trẻ còn nhặt sạn phim “Mắt biếc”: Thầy giáo Ngạn lơ ngơ trong tình yêu nhưng lại là tay chơi hàng hiệu với túi xách Louis Vutton, kính trắng Gucci, đồng hồ Rolex… Ngôi trường Hà Lan học thời đó có cả máy điều hòa. Hà Lan không diện áo dài trắng, quần đen như các bạn trong trường, cô chơi “ton sur ton”, áo dài trắng, quần trắng… Nhưng phim không có người chê, hiệu ứng chưa chắc đã tốt… Suy cho cùng, chúng đều là chất xúc tác khiến người xem ùn ùn đổ tới rạp.
Nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng: Đáng ra “Mắt biếc” còn “bào tiền” tốt hơn nữa, nếu như không bị cộp mác “C16”. Theo nhà phê bình, Nguyễn Nhật Ánh viết “Mắt biếc” cho các bạn mới lớn. Giờ phim “Mắt biếc” chỉ chiếu cho người từ 16 tuổi trở lên xem thì khác nào hại đơn vị sản xuất, vì làm một lượng fan của Nguyễn Nhật Ánh không thể đến rạp: “Sách Nguyễn Nhật Ánh xưa nay bán cho cả nước, chẳng có giới hạn nào. Thành phim cũng có hành động nào xấu đâu? Phải so sánh với phim truyền hình xem, không còn gì không chiếu nữa, tình dục, bạo lực đầy rẫy…”.
Nhà giáo, nhà văn Văn Giá cũng đồng quan điểm với nhà phê bình Ngô Thảo: Không nên cấm người dưới 16 tuổi xem “Mắt biếc”: “Phim đánh thức cảm xúc nhân văn trong trẻo chả phải cấm gì cả. Vả lại trên thực tế có cấm được đâu. Khổ lắm!”. Tại Huế, “Mắt biếc” thực sự “sốt” cao. Nhiều giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế đã đi xem phim. Họ cũng băn khoăn về nhãn “C16”. Sau khi xem xong, một số giảng viên đã đưa con cái dưới 16 tuổi đi thưởng thức “Mắt biếc”.
Quan điểm của TS. Nguyễn Thanh Tâm, Phó Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư Phạm Huế: “Giáo dục trẻ không phải cứ đưa ra hình tượng nhân vật thật tốt, thật lí tưởng. Mà đưa những nhân vật có vấp váp, trở ngại trong cuộc đời cũng là một lời cảnh tỉnh”. TS. Nguyễn Thanh Tâm thấy dán nhãn “C16” khiến rạp đông hơn: “Ở Huế, những bộ phim nào cấm dưới 16 tuổi thì trẻ dưới 16 tuổi đi xem nhiều hơn vì bị tò mò”. Chị kể, có cô em gái làm quản lí rạp BHD ở Huế xác nhận: Đối tượng dưới 16 tuổi đi xem “Mắt biếc” rất nhiều.
Giải thích lí do dán “ C16” cho “Mắt biếc”, biên kịch Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, giải thích: “Dán “C16” do vấn đề của phim, không nên khuyến khích học sinh mang bầu bỏ học yêu đương và tình cảm của cả hai mẹ con cho một người”. Bà cho biết thêm: “So với mặt bằng các phim và các qui định nếu dán “C13” (phim dành cho khán giả từ 13 tuổi trở lên) lại không ổn: “Còn nhiều bất cập. Nhưng khi phân loại đã tính nếu “C13” thì lại không đúng cho các phim tương tự”. Ngô Thảo phản ứng: “Nhân vật học sinh (Hà Lan) có bầu thì có gì đâu? Mang bầu hỏng cả cuộc đời thì đây rõ ràng là lời cảnh tỉnh bạn trẻ. Có gì phải cấm? Còn chuyện hai mẹ con theo đuổi một người đàn ông, cũng chẳng sao. Nên nhìn vào kết quả. Trà Long yêu người yêu mẹ, Ngạn, nhưng Ngạn từ chối ngay, đúng không?”.
Dù giải thích ra sao thì phần đông khán giả vẫn ngác ngơ không hiểu. Một khán giả giấu tên chia sẻ: “Khán giả phổ thông vẫn quan niệm, cấm người dưới 16 tuổi là do có sex, bạo lực hoặc ngôn từ các nhân vật nói với nhau bậy bạ, văng tục chửi thề. Nhưng tất cả điều đó không có trong “Mắt biếc” nên dán nhãn “C16” thấy buồn cười làm sao”.