Tạp chí Total Film của Anh xếp Mộ đom đóm thứ 12 trong danh sách 50 phim hoạt hình vĩ đại nhất. Còn trong Top10 phim buồn nhất của Empire, Mộ đom đóm đứng thứ 6.
Sự xúc động phim gây nên không phải từ một cảnh huống mà là đại cục. Tức là khán giả chỉ thực sự muốn khóc sau khi xem cả bộ phim. Và vẫn còn trong tâm trạng muốn khóc sau đó. Hình tượng hai đứa trẻ quá sống động biến phim thành đài tưởng niệm xây bằng cảm xúc. Hay nói theo kiểu Á Đông, là miếu thờ những oan hồn ngây thơ bị thế giới điên loạn của người lớn dập vùi. Mà biểu hiện điên loạn nhất chính là chiến tranh.
Phim là tập hợp của một loạt những biểu tượng đối lập đến mức triệt tiêu nhau. Mà cặp đối lập lớn nhất là trẻ em và chiến tranh. Cũng thời chiến nhưng tình thế bên thua trận sẽ thảm hại hơn nhiều. Mà cụ thể tình thế của Nhật sau Thế chiến Hai lại còn đi đến tận cùng của bi thảm. Có lẽ nó làm người Nhật bàng hoàng đến mất cả tinh thần. Hậu quả là tình người cũng bị triệt tiêu. Người ta chỉ còn bo bo cho bản thân và gia đình.
Người nông dân đang ăn bữa trưa dù ít ỏi nhưng vẫn không nghĩ đến chuyện chia cho đứa trẻ dẫu chỉ vài hạt, mà tặng nó một câu: “Là con của thuyền trưởng hải quân, cháu hãy mạnh mẽ lên!”. Người lớn quên rằng trẻ con dù có mạnh mẽ thì vẫn là trẻ con. Mạnh mẽ không cứu được đứa trẻ khỏi chết đói. Không thể bắt bọn trẻ chịu trách nhiệm kể cả về việc chúng làm chứ đừng nói là việc của người lớn. Seita mạnh mẽ đấy chứ- trong khi tất cả mọi người chạy khỏi thành phố mỗi khi bị ném bom, thì cậu chạy theo chiều ngược lại. Động lực là đứa em đang ốm đói… Có lẽ chúng nghĩ việc đi khỏi nhà người họ hàng khắc nghiệt như một chuyến picnic mà thôi. Ai dè, chiến tranh dài quá, khốc liệt quá…
Nếu Nhật thắng trận, Seita và Satsuko đã là con liệt sĩ, thậm chí là dũng sĩ. Nhưng rút cuộc chúng chỉ là hai trong vô vàn đứa trẻ, vô vàn người Nhật vô danh, vô thừa nhận phải bỏ mạng sau Thế chiến Hai. Ở đất nước có truyền thống coi trọng danh dự hơn cái chết, có cảm giác những binh lính không bảo vệ được đất nước sẽ bị coi như tội đồ (!)
Và rút cuộc phía yếu thế phải chết. Không khoan nhượng, không cơ may, không phép màu nào xảy đến. Cái chết từ từ đầy ám ảnh. Dù phim có tình tiết lãng mạn hóa cho linh hồn hai đứa trẻ đoàn tụ đi nữa. Màu của phim thì buồn thôi rồi. Nhiều cảnh tối giản, sử dụng bóng đổ, tương phản mạnh gây bức bối…
Tuy nhiên điều cốt lõi khiến Mộ đom đóm đánh động cảm xúc sâu thẳm của người xem vẫn là sự lột tả kiếp người mong manh trước vô thường. Không đao to búa lớn, không tình tiết ly kỳ, chỉ kể câu chuyện tất nhiên của những thân phận nhỏ nhoi như đom đóm lóe lên thứ ánh sáng nên thơ nhất có thể trước khi lịm tắt. Mộ đom đóm có khả năng làm mềm những tâm hồn khô cằn nhất. Dù có yêu nhau hay ghét nhau thì cuối cùng chúng ta cũng chết, dù đơn độc hay sát cánh bên nhau thì cũng không thể giữ được nhau ở lại. Vậy hãy lựa chọn!
Liếc qua phiên bản truyền hình 2004, thấy có sự đổi khác về góc nhìn. Phim người đóng kể từ điểm nhìn của người chị họ (tức con của người dì đã đẩy hai đứa trẻ ra khỏi nhà) và để nhân vật dì xuất hiện nhiều hơn. Người chị tuy theo dõi hai em nhưng vẫn giữ khoảng cách. Ra vẻ quan tâm mà không có lấy một hành động trợ giúp cho dù về tinh thần. Rõ ràng phim chỉ quàng nhân vật này vào để có vẻ khác bản gốc.
Cách kể khiên cưỡng này chỉ làm cho người xem thêm ghét bà dì kia- loại nhân vật nếu không được khắc họa cho phản diện thì tốt nhất không nên nhắc tới, như bản hoạt hình đã làm. Bản truyền hình biện hộ cho bà dì bằng cách cho bà nuôi ba con chứ không phải một và đã đi làm. Bà ta nói với con gái “Nếu con chết (khi con bé khóc lóc đòi chết vì cảm thấy có trách nhiệm trong cái chết của hai đứa em họ) nghĩa là con thua cuộc”. Câu này có thể áp dụng cho tinh thần Nhật Bản sau khi thua trận, nhưng trong trường hợp cụ thể này chỉ bộc lộ tâm địa độc ác, vô nhân đến tận cùng. Dù ở phiên bản nào, Mộ đom đóm cũng phản ánh sự bất cập của một loại tính cách khi được đẩy đến mức cực đoan.
Phim dựa theo truyện ngắn cùng tên của Akiyuki Nosaka- tác phẩm ra đời từ sự hối lỗi của tác giả với em gái bị chết đói trong thời chiến, đồng thời lật giở lại tính cách Nhật Bản. Nếu người ta tinh tế hơn, nhẫn nhịn hơn, chia sẻ nhiều hơn…, thì oan hồn chắc chắn sẽ ít hơn.