Phim bền vững - “Canh bạc” của những nhà làm phim tử tế

0:00 / 0:00
0:00
Điện ảnh Việt đang hồi hộp theo dõi những dự án phim phát triển theo hướng bền vững. Đầu tư nhiều, tầm nhìn xa, khát vọng lớn, nhưng cơ hội của họ là bao nhiêu?

Phát triển bền vững đang dần trở thành mối quan tâm của nhà làm phim trong nước, đặc biệt kể từ hội thảo “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam - Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” ngày 28/4/2021. Trải qua hơn nửa năm khó khăn của điện ảnh Việt, cùng nhìn nhận lại vấn đề này qua góc nhìn của Lucas Luân Nguyễn - một nhà phê bình trẻ và film influencer (người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực phim).

Phim bền vững - “Canh bạc” của những nhà làm phim tử tế ảnh 1

Có gốc, có rễ

Theo anh, “phim bền vững” có thể được hiểu như thế nào?

Chúng ta có thể hiểu theo hai cách. Ở các nước phương Tây, “bền vững” là tạo tác động lâu dài, tích cực cho môi trường, hậu thế. Nhưng đối với ngành phim nước ta hiện nay, “bền vững” có nghĩa là có gốc có rễ.

Theo tôi, bàn về “phim bền vững” là bàn về việc làm ra một tác phẩm có khâu phát triển ý tưởng kỹ càng, chứa đựng giá trị về mặt sản xuất, đem lại nhiều giá trị cho khán giả, tác động tích cực đến văn hóa - xã hội và mang tính cột mốc cho những bộ phim sau.

Bền vững có ý nghĩa như thế nào với điện ảnh? Một giải pháp, xu thế, hay chỉ đơn thuần là sự thử nghiệm?

Khoảng hai năm về trước, điện ảnh Việt Nam vẫn còn được miêu tả bằng hai từ “hài nhảm”, “mì ăn liền”. Bây giờ, Việt Nam đang dần có nhiều phim hay, đẩy lùi các phim kém chất lượng. Đây là một tín hiệu rất tốt của một thị trường bền vững, điều mà nền điện ảnh đang muốn hướng tới. Nếu nhà làm phim dành ra nhiều nỗ lực, chăm chút cho từng yếu tố và đầu tư kỹ càng về mọi khâu thì thành quả cuối cùng không chỉ tạo dấu ấn cho sản phẩm của họ mà còn tác động tích cực đến thị trường. Đó là là trạng thái bền vững.

Theo anh, để có thể làm ra một tác phẩm bền vững, khâu nào là quan trọng nhất trong cả quá trình làm phim?

Với tôi, lên ý tưởng sản xuất là khâu cần được chăm chút kỹ lưỡng nhất vì đây vừa là khâu đầu tiên, vừa là khâu làm nên cái gốc, cái rễ của tác phẩm. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta được phép bỏ qua các khâu khác. Mọi khâu đều phải được thực hiện một cách chắc chắn thì bộ phim cuối cùng mới có thể bền vững được. Điều quan trọng là các nhà làm phim phải đi lên từ cái gốc, cái rễ - tập trung đầu tư vào khâu phát triển ý tưởng, đặc biệt là xây dựng kịch bản.

Bền vững là trách nhiệm

Với nhiều đòi hỏi cao như vậy, hướng phát triển bền vững phù hợp với những dòng phim nào?

Đối với tôi, làm phim bền vững là trách nhiệm của mọi dự án đã gia nhập vào đường đua. Dù là dòng phim nào thì cũng nên được sản xuất một cách tử tế. Ngoài những trăn trở về doanh thu, sẽ có những câu hỏi cần tìm câu trả lời trước khi bắt đầu làm một bộ phim. Phim sẽ mang lại những giá trị gì? Tác động đến nền điện ảnh ra sao? Tạo nên những cột mốc nào? Trả lời được những câu hỏi đó, tôi tin nhà làm phim sẽ dần tìm được những hướng đi để mang lại giá trị sản xuất cho phim của mình.

Chúng ta vẫn thấy những bộ phim độc lập tranh giải, dù có kinh phí thấp nhưng vẫn mang giá trị sản xuất rất cao nằm ở khâu kịch bản, quay phim, diễn xuất. Hay những bộ phim thuần giải trí như Hai Phượng có giá trị sản xuất nằm ở việc có chỉ đạo võ thuật từ Hollywood. Còn một bộ phim chỉ có bối cảnh trong một ngôi nhà như Tiệc Trăng Máu thì giá trị sản xuất cao nằm ở dàn diễn viên khủng lần đầu tiên tề tựu và sự chăm chút từng chi tiết nhỏ trong đó. Những bộ phim như Người Bất Tử, Mắt Biếc lại có giá trị sản xuất ở bối cảnh hùng vĩ. Mỗi bộ phim đều có giá trị sản xuất rất riêng bắt nguồn từ những trăn trở nhỏ.

Trước khi ra rạp, khán giả có thể nhận diện phim bền vững bằng cách nào?

Không thể kỳ vọng rằng khán giả đại chúng sẽ nhận ra phim bền vững một cách nhanh chóng. Bản thân chúng ta - những khán giả của điện ảnh - cần sớm được định hướng và dần làm quen với các bộ phim qua thời gian thì mới có thể cảm nhận được tính bền vững trong mỗi tác phẩm.

Việc định hướng này đòi hỏi các dự án phải chăm chút kỹ lưỡng vào khâu quảng bá. Xét về sự chuyên nghiệp trong quá trình phát hành, một bộ phim bền vững thường phải trải qua khâu marketing rất dài. Có như vậy, khán giả mới thấy được sự chuyên nghiệp của bộ phim, đồng thời nhận ra những điểm thú vị đã tiếp cận trước đó trong lúc thưởng thức tác phẩm.

Những dự án đột ngột tung poster rồi chiếu trong vài tháng sau đó sẽ không khiến tôi mong chờ bằng những dự án lần lượt công bố đạo diễn, dàn diễn viên, một thời gian sau đó mới bắt đầu quay rồi dần dần tung những hình ảnh của phim. Ví dụ như Em Và Trịnh, chúng ta có thể thấy họ giới thiệu dự án, công bố với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thông báo đạo diễn là ai, casting các vai diễn, sau đó mới tung ra poster, teaser và các dự án bên lề như podcast... Đó là một trong những bộ phim có định hướng đi đường dài ngay từ đầu, dám tham gia vào một hành trình làm phim cần đến nhiều thời gian, tiền bạc nhưng từ từ len lỏi vào nhận thức của khán giả.

Trailer cũng phần nào nói lên nhiều điều về bộ phim và giúp khán giả nhận diện một bộ phim bền vững. Những phim có bối cảnh quá đẹp, góc quay ấn tượng, diễn xuất tốt, màu phim, phong cách... khán giả đều sẽ thấy được những điều đó.

Vậy còn sau khi ra rạp, điều gì sẽ đọng lại ở một bộ phim bền vững?

Tôi nghĩ một bộ phim bền vững sẽ có tính “xem lại”. Để làm nên những tác phẩm bền vững, nhà làm phim phải nỗ lực 100%, nhưng khán giả thường chỉ cảm nhận được tầm 30% nỗ lực đó ở lần xem đầu. Tuy nhiên, 70% còn lại sẽ đọng lại trong lòng họ những cảm xúc khó nói thành lời. Cứ mỗi lần xem lại, bộ phim lại mở khóa thêm nhiều tầng cảm thụ mới nơi khán giả. Theo thời gian, họ sẽ cảm thụ được hết 100% nỗ lực đó. Tôi tin các tác phẩm sống lâu trong lòng khán giả và tạo được chỗ đứng trong nền điện ảnh là nhờ vậy.

Hiện nay có những dự án chỉ mới thực hiện đến 50 - 60% khả năng thôi nhưng đã cảm thấy đủ, hài lòng hay thậm chí tự mãn. Khi xem những bộ phim như vậy, thử hỏi khán giả có nhận được phần trăm nào nữa không hay lập tức bị cho vào quên lãng?

Phim bền vững - “Canh bạc” của những nhà làm phim tử tế ảnh 2

Nhiều phép thử cho thị trường

Là một khán giả của phim Việt, anh cảm thấy thế nào trước những dự án phim dài hơi?

Tôi thấy nể vì đó là một canh bạc. Chúng ta không thể nào biết trước kịch bản có tốt hay không, kể cả có nhờ chuyên gia, vì muốn biết thì phải phát hành. Làm phim bền vững ở Việt Nam lúc này cần rất nhiều sự kiên nhẫn - sự kiên nhẫn của đoàn làm phim, của nhà đầu tư, và của cả khán giả.

Một dự án kéo dài quá lâu có thể dẫn đến rất nhiều trường hợp. Quá trình phát triển ý tưởng thách thức niềm tin của đội ngũ rất nhiều. Họ phải làm việc vô cùng ăn ý với nhau, mỗi người đều hiểu điều mình đang làm và chịu đào sâu đến tận cùng. Khi đó, họ mới có thể tạo ra một nền tảng vững chắc để cùng nhau đi tiếp, thực hiện nên những bộ phim thực sự cần đến nhiều thời gian như Avatar của James Cameron. Nhưng cũng có trường hợp, họ quảng bá quá lâu và rồi phải đi vào “development hell” (địa ngục phát triển). Đó là lúc một bộ phim bị phát triển quá lâu, đến mức bị mọi người lãng quên, như phim Jurassic Park rất nổi của Mỹ. Khi phần 3 ra mắt vào năm 2001, họ đã có kế hoạch làm phần 4. Nhưng vì nhiều lý do, có thể vì thiếu đạo diễn, nhà đầu tư, khâu phát triển kịch bản bị bế tắc,... cuối cùng bộ phim rơi vào “development hell” cho đến tận năm 2015 mới có thể phát hành phần 4. Vì vậy, đối với tôi, những nhà làm phim một cách chăm chút, kỹ lưỡng đều như đang đánh bạc.

Phim Việt còn đang chờ đợi điều gì để phát triển bền vững một cách rõ ràng? Một dự án tiên phong chăng?

Phim Việt không chờ đợi. Phim Việt đang hồi hộp theo dõi. Chúng ta đang phát triển tốt và có nhiều phép thử cho thị trường. Tôi biết có những dự án đã mất nhiều thời gian đầu tư phát triển ý tưởng, xây dựng thế giới của họ. Ví dụ như dự án Trưng Vương (She-Kings) - canh bạc rất lớn của TNA Entertainment. Mặc dù chưa biết kết quả ra sao, nhưng từng bước Trưng Vương đang đi đều cho thấy tư duy của người làm phim dám thử, dám làm, dám đầu tư cho nền tảng phim và sự vững bền cho bản thân lẫn thị trường.

Trưng Vương vốn là dự án tôi khá hoài nghi. Bộ phim có đề tài huyền sử, nói về Hai Bà Trưng, chỉ vậy thôi đã thấy quá khó làm. Nhưng Trưng Vương đang đi từng bước: Xây dựng thế giới của thời Lạc Việt lúc đó, câu chuyện Hai Bà Trưng và các nữ tướng của Hai Bà Trưng. Điều khiến tôi bất ngờ còn là họ đang làm chuỗi phim hoạt hình ngắn trên YouTube về các nữ tướng này. Mặc dù không quá xuất sắc về đồ họa nhưng khá tử tế, có nghiên cứu và đọc sử.

Ngay cả cách đặt tên cũng có hơi thở thời đại: She-Kings (Nữ Vương). Vẫn lấy bối cảnh ngày xưa, nhưng câu chuyện gợi nữ quyền trong thời đại mới. Chưa kể, bộ phim còn có những bài hát được sáng tác riêng, và 7 bài hát cho 7 nữ tướng. Chỉ đang trong giai đoạn phát triển ý tưởng nhưng Trưng Vương đã và đang thực hiện rất nhiều hoạt động quảng bá. Điều này cho thấy họ đang vô cùng nỗ lực để thiết lập mối liên kết với khán giả ngay từ bây giờ, tạo cho chúng ta cảm giác gần gũi và thân thuộc với dự án qua thời gian.

Liệu “bền vững” có trở thành yếu tố thu hút khán giả, đảm bảo doanh thu?

Chúng ta chưa thể nói “Đây là một bộ phim bền vững, hãy ra rạp xem phim của tôi đi”. Bền vững là cái nhà làm phim hướng tới, nhưng để khán giả nhìn thấy được thì phải để thời gian trả lời.

Mới đây, Tiệc Trăng Máu kỉ niệm một năm phát hành. Người ta nhìn lại thành công, giá trị sản xuất, chiến lược của tác phẩm và công nhận đó là bộ phim có doanh thu cao nhất trong mùa dịch. Tương lai cũng thế, ra một bộ phim cũng phải để thời gian trả lời. Lúc đó, sự vững bền mới thực sự len lỏi và khiến người khác nhìn nhận bộ phim theo một cách khác.

Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện!

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm