Philippines-Trung Quốc cùng khai thác trên biển Đông: Nhiều rủi ro

Tàu nghiên cứu BRP Gregorio Velasquez của Hải quân Philippines. Ảnh: Philstar.
Tàu nghiên cứu BRP Gregorio Velasquez của Hải quân Philippines. Ảnh: Philstar.
TP - Philippines dự kiến trong vài tháng tới sẽ ký thỏa thuận với Trung Quốc để cùng khai thác dầu khí một khu vực thuộc biển Đông mà cả hai nước đều đòi chủ quyền, một quan chức Philippines hôm qua cho biết. Giới quan sát cho rằng, Philippines sẽ đối mặt nhiều rủi ro trước một Trung Quốc khó lường.

Hồi tháng 2, Philippines và Trung Quốc đồng ý lập một ban đặc biệt để tìm ra cách thức khai thác chung nguồn tài nguyên dầu khí ở những khu vực hai bên tranh chấp mà không cần giải quyết vấn đề chủ quyền.

“Chúng tôi đang cố gắng xem liệu có thể đạt được thỏa thuận hay không, hy vọng sẽ đạt được trong vài tháng tới”, Reuters hôm qua dẫn lời ông Jose Santiago Santa Romana, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, nói tại một cuộc họp báo tổ chức trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ông Romana nói rằng hai nước đều có quyết tâm chính trị muốn đạt được thỏa thuận này, nhưng cần thời gian để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra. Đại sứ Philippines nói rằng nước này muốn tăng cường an ninh năng lượng. Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte hôm qua đến Trung Quốc để dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao và sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hôm nay.

Tháng trước, Philippines xác định hai khu vực trên biển Đông sẽ là nơi nước này hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí chung. Nhưng bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được giữa Manila và Bắc Kinh cũng sẽ là thỏa thuận của doanh nghiệp chứ không phải của chính phủ, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết.

Ý tưởng khai thác chung giữa hai nước có từ năm 1986, nhưng tranh chấp và vấn đề chủ quyền khiến nó chưa trở thành hiện thực. Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực quốc tế tại La Hay, Hà Lan phán quyết rằng, một số phần trong vùng tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, và Manila có quyền chủ quyền đối với các tài nguyên ở đó. Nhưng Trung Quốc không công nhận phán quyết.

Lợi trước mắt

Không có gì ngạc nhiên khi ý tưởng Philippines - Trung Quốc bắt tay khai thác chung tài nguyên thỉnh thoảng lại trỗi dậy, bất chấp nhiều thách thức. Lý do đơn giản là nó mang lại những cơ hội trước mắt mà cả hai bên có thể tận dụng. Đối với Philipines, điều này sẽ là cách bảo đảm nhu cầu năng lượng, đặc biệt khi mỏ khí Malampaya - nơi cung cấp nhiên liệu phục vụ 1/3 nhu cầu điện ở Luzon, hòn đảo lớn nhất đất nước, sẽ cạn kiệt trong khoảng chục năm tới, và Manila vẫn chưa thể khai thác những nguồn khác như bãi Cỏ Rong do bị Trung Quốc phản đối, giới phân tích nhận định.

Nói rộng hơn, trong bối cảnh quan hệ Philippines - Trung Quốc tốt đẹp hơn từ khi ông Duterte lên nắm quyền, chính phủ Philippines hy vọng có thể thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc để giúp nước này thúc đẩy nền kinh tế. Giới phân tích cho rằng, đối với Trung Quốc, bên cạnh việc tận dụng quan hệ thay đổi giữa Philippines với đồng minh Mỹ, hợp tác khai thác chung cũng là một cách để Bắc Kinh duy trì quan điểm ngoan cố rằng họ vẫn có chủ quyền trên hầu khắp biển Đông trong khi vẫn giữ được một đối tác cũng như một thị trường để khai thác tài nguyên. Nhìn chung, dưới con mắt của Trung Quốc, đây sẽ là một cách để tạo nên ảo tưởng rằng hiện đang là giai đoạn hạ nhiệt trên biển Đông, để từ đó giúp Bắc Kinh có thể hạn chế những điều mà các nước liên quan khác, các nước không liên quan và các nhân tố ngoài khu vực có thể làm để chống lại những bước đi nguy hiểm của Trung Quốc trên biển Đông.

Có thể hại lâu dài

Nhưng việc Trung Quốc và Philippines cùng khai thác tài nguyên trên biển Đông có rất nhiều vấn đề. Theo giới quan sát, những cơ hội trước mắt có thể che đậy hàng loạt rủi ro liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai, và chính phủ của ông Duterte vẫn chưa thể chứng minh điều ngược lại. Trung Quốc và Philippines từng thử hợp tác trên biển Đông, nhưng kết quả khá thảm hại. Dưới thời cựu Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, Công ty Dầu khí nhà nước Philippines (PNOC) và Công ty Dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNOOC) ký Thỏa thuận thăm dò dịa chấn biển chung (JMSU) năm 2005, nhưng thỏa thuận này thất bại 3 năm sau đó. Thỏa thuận bị coi là không có lợi cho Philippines này đã bị cắt xén để đổi lấy các dự án hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn rồi kết thúc bằng một vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Philippines.

Sau khi thỏa thuận này sụp đổ năm 2008, Philippines gặp khó trong việc kêu gọi các công ty nước ngoài giúp đỡ khai thác tài nguyên, một phần do bị Trung Quốc đe dọa, không chỉ bằng áp lực ngoại giao mà còn bằng cách chặn tàu khảo sát. Hợp tác chung nhanh chóng bị thay thế bởi sự bắt nạt đơn phương. Dư vị cay đắng thời kỳ đó vẫn còn đến ngày nay. Theo giới phân tích, chính phủ của Tổng thống Duterte có thể chỉ tự khiến mình dễ bị tổn thương hơn vì họ sẽ chẳng đạt được thỏa thuận tốt nhất với Bắc Kinh. Dù giới chức Philippines tiếp tục dẫn chứng những lợi ích tạm thời nhưng những điều này quá nhỏ so với các nhượng bộ mà Philippines chấp nhận, bao gồm việc gác lại phán quyết của tòa trọng tài quốc tế có lợi cho họ.

Các nhà phân tích cho rằng, dù Trung Quốc và Philippines có thể đạt được thỏa thuận ban đầu, nhưng không có gì bảo đảm rằng nó sẽ tồn tại lâu dài. Kiểu hành xử của Trung Quốc trong những năm qua trên biển Đông cho thấy Bắc Kinh có xu hướng đan xen giai đoạn hung hăng trên biển với giai đoạn lôi kéo, quyến rũ và ép buộc, tùy thuộc nhiều yếu tố như chính trị nội bộ hay phản ứng của khu vực.

Trong bối cảnh đó, ngay cả khi Trung Quốc sẵn sàng làm những việc như thúc đẩy hoàn thành phần khung Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hay tham gia khai thác chung trong giai đoạn họ đang muốn tấn công quyến rũ thì vẫn có rủi ro Bắc Kinh nhanh chóng quay lại cách thức hành xử bắt nạt.

Nếu chính trị nội bộ Philippines khiên thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc bị trì hoãn, trong khi Trung Quốc quyết thúc đẩy thì Bắc Kinh có thể dùng sức mạnh quân sự với Manila, dù trực tiếp ở khu vực dự định khai thác chung hay gián tiếp bằng những hành động khác như cải tạo trên bãi cạn Scarborough, giới quan sát nhận định. Nếu những công cụ này chưa đủ, Bắc Kinh cũng có thể dùng đòn kinh tế để trả đũa, trong bối cảnh chính quyền Philippines đang ngày càng có quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Trung Quốc.

MỚI - NÓNG