Philippines phản đối Trung Quốc gây hấn trên biển Đông

Philippines phản đối Trung Quốc gây hấn trên biển Đông
TP - Ngày 26-12, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố kế hoạch của Trung Quốc nhằm củng cố, phát triển cái gọi là thành phố Tam Sa trên biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế.

> Philippines phản đối Trung Quốc về dự án 'khủng' ở Tam Sa - Hoàng Sa
> Trung Quốc điều tàu tuần tra có sân bay Hải tuần 21 ra Biển Đông

Tàu Haixun 21 được trang bị trực thăng trên đường ra biển Đông. Ảnh: People Daily
Tàu Haixun 21 được trang bị trực thăng trên đường ra biển Đông. Ảnh: People Daily.

Hồi tháng 7, Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý (về mặt chính trị) nhiều đảo nhỏ, bãi cạn, rạn san hô mà nước này tuyên bố chủ quyền, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tuần này, Trung Quốc thông báo sẽ đầu tư ít nhất 1,6 tỷ USD để xây dựng bến cảng, sân bay và nhiều cơ sở hạ tầng khác ở Tam Sa.

“Việc này không chỉ khiến các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế quan ngại”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez, nói với các phóng viên.

Việc Trung Quốc đưa tất cả lãnh thổ mà mình tuyên bố chủ quyền vào phạm vi điều chỉnh của cái gọi là thành phố Tam Sa là “một cách tăng cường yêu sách đường lưỡi bò - một yêu sách quá đáng và vi phạm luật pháp quốc tế”, ông Hernandez khẳng định. “Hành động này sẽ không đem lại giá trị pháp lý gì cho Trung Quốc”, ông nói.

Căng thẳng về chủ quyền biển đảo giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng từ tháng 4, khi tàu Trung Quốc tới bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Philippines nói rằng, bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không chỉ đối với bãi cạn này mà còn với hầu hết diện tích biển Đông, thậm chí vùng nước sát bờ biển các nhiều nước láng giềng.

Trung Quốc không đồng ý đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông ra các diễn đàn quốc tế, mà muốn thương lượng song phương với từng nước có tuyên bố chủ quyền, để tận dụng lợi thế nước lớn và sức mạnh quân sự vượt trội.

Philippines hiện đại hóa quân đội

Ngày 27-12, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố sẽ đầu tư 1.337 tỷ peso (32,5 triệu USD) mua ba chiếc máy bay trực thăng AW 109 Power của hãng AgustaWestland (Anh và Ý), để trang bị cho lực lượng hải quân trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Số tiền đầu tư được lấy từ chương trình mua sắm khẩn cấp.

Hải quân Philippines sắp được trang bị 3 máy bay trực thăng AW 109 Power. Ảnh: Aircraft Information
Hải quân Philippines sắp được trang bị 3 máy bay trực thăng AW 109 Power. Ảnh: Aircraft Information.

“Việc mua sắm những máy bay trực thăng này là một trong những bước đi cụ thể để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa Hải quân Philippines nói riêng và các lực lượng vũ trang của chúng tôi nói chung”, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin nói.

Ông Gazmin khẳng định, thông qua việc mua máy bay trực thăng và những vũ khí, khí tài khác trong tương lai, các lực lượng vũ trang Philippines đang thể hiện quyết tâm “bảo đảm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.

Những tháng gần đây, quân đội Philippines (vốn được trang bị nghèo nàn) cố gắng nâng cao khả năng phòng thủ và tấn công. Philippines đã và đang đặt mua hoặc cân nhắc nhập khẩu một số tàu tuần tra mới, máy bay phản lực, máy bay vận tải và trực thăng tấn công, trong khi tìm cách cải thiện quan hệ quốc phòng với các nước phương Tây như Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng ý chuyển giao cho Hải quân Philippines hai chiến hạm và đang thảo luận một số chương trình hợp tác quân sự. Phía Mỹ sẽ cung cấp cho Philippines một số chiến đấu cơ tân tiến, một hệ thống radar duyên hải…

Trung Quốc lần đầu đưa tàu tuần tra có trực thăng ra biển Đông

Ngày 27-12, lần đầu tiên Trung Quốc triển khai trên biển Đông một tàu tuần tra được trang bị một sân bay dành cho máy bay trực thăng. Con tàu này tên là Haixun 21 (Hải tuần) trực thuộc Sở An toàn hàng hải Hải Nam.

“Trước đây, các cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh Hải Nam chỉ có thể làm nhiệm vụ ở vùng biển ven bờ, chưa bao giờ ra khơi xa. Việc triển khai Haixun 21 chấm dứt thời kỳ không có tàu tuần tra biển cỡ lớn trên biển Đông”, ông Ruan Ruiwen, Giám đốc Sở An toàn hàng hải Hải Nam, nói.

Haixun 21 sẽ theo dõi an toàn giao thông đường biển, điều tra tai nạn hàng hải, phát hiện ô nhiễm, thực hiện cứu hộ, cứu nạn…, ông Huang He, Phó giám đốc Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc), nói.

Haixun 21 dài 93,2m, có thể chạy tối đa 7.408km mà không phải tiếp nhiên liệu, tốc độ tối đa 40,74km/h, được đưa vào hoạt động từ năm 2002. Sân bay cho trực thăng được thiết kế ở đuôi tàu, dài khoảng 21m và rộng 11m.

Trung Quốc phát triển máy bay vận tải cỡ lớn

Ngày 27-12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo nước này đang phát triển loại máy bay vận tải cỡ lớn tên là Y-20, để thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội, cũng như phục vụ việc cứu trợ thảm họa, viện trợ nhân đạo trong tình huống khẩn cấp.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Yang Yujun, nói rằng, quân đội Trung Quốc đang “giám sát chặt chẽ” và “cảnh giác cao độ”, sau khi các máy bay chiến đấu của Nhật Bản gần đây chặn một máy bay giám sát biển của Trung Quốc gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

“Quan hệ quốc phòng Trung - Nhật là một phần quan trọng và nhạy cảm của quan hệ song phương”, ông Yang nói.

Gia Tùng
Theo GMA News, Philippine Star, The Inquirer, AP, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG