Philippines nghi Trung Quốc sắp kéo giàn khoan vào vùng tranh chấp

Tổng thống Aquino. Ảnh: AP
Tổng thống Aquino. Ảnh: AP
TP - Tổng thống Philippines Benigno Aquino bày tỏ lo ngại về hoạt động của các tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trên biển Đông và cho rằng chúng đang lập bản đồ cho tác chiến tàu ngầm hoặc chuẩn bị cho việc kéo giàn khoan dầu vào vùng tranh chấp, báo South China Morning Post (Hong Hong) ngày 24/9 đưa tin. 

Ngày 23/9, Tổng thống Aquino đã lên tiếng về mối lo ngại đối với nhiệm vụ gần đây của hai tàu khảo sát Trung Quốc, có thể đang chuẩn bị cho nỗ lực khoan dầu khí tại khu vực này. Ông Aquino cũng tuyên bố Philippines sẽ bảo vệ chủ quyền của nước này tại khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Ông nêu rõ tàu Trung Quốc đang tiến hành đo đạc trong khu vực thuộc quyền quản lý của Philippines.


Trò chuyện bên lề cuộc gặp của các nhà lãnh đạo thế giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), ông Aquino trưng ra những hình ảnh về việc Trung Quốc cải tạo đất tại vùng nước quanh đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trong hai năm qua. 

Ông nói rằng, tại Bãi Cỏ Rong, cách đảo Palawan của Philippines chỉ 129 km, Trung Quốc điều hai tàu khảo sát thủy văn tới từ hồi tháng 6. Tổng thống Aquino nói rằng, Philippines không biết chắc chắn về mục đích của các tàu Trung Quốc, nhưng ông tự hỏi phải chăng Trung Quốc đang lên kế hoạch kéo một giàn khoan dầu vào như đã làm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5, gây căng thẳng trong khu vực.

Ông Aquino cho rằng, cũng có thể Trung Quốc chỉ đang vẽ bản đồ địa hình để phục vụ cho tàu ngầm hoạt động. Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc không đưa ra bình luận gì trước phát biểu của Tổng thống Philippines.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, hy vọng phán quyết của tòa án sẽ làm rõ cơ sở pháp lý yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, để có thể “tạo bình đẳng trong cuộc chơi” và giúp giảm bớt căng thẳng, ông Aquino nói. 

Dù cũng là nước ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 như Philippines, nhưng Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện, khăng khăng giữ quan điểm tòa án thiếu quyền tài phán thích hợp. Một luật sư đại diện cho Philippines nói rằng, không thể trông đợi một phán quyết trước năm 2016.

Phía Philippines nói rằng, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố yêu sách chủ quyền của nước này ở biển Đông dựa trên cơ sở lịch sử, chứ không dựa trên luật pháp quốc tế. Khi sức mạnh kinh tế và quân sự tăng lên, Trung Quốc hành động ngày càng hung hăng, tuyên bố thiết lập quản lý hành chính các khu vực tranh chấp và kiểm soát ngư trường. 

“Đó là một vấn đề quan ngại quốc gia đối với Philippines, nhưng đó không chỉ là lo ngại của riêng của chúng tôi. Ngoài các nước liên quan, tất cả những ai đi qua biển Đông đều bị ảnh hưởng”, ông Aquino nói. 

Từ khi lên nắm quyền năm 2010, ông Aquino tăng cường sức mạnh quân đội Philippines. Hồi tháng 4, ông đạt được thỏa thuận với Mỹ, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ tiếp cận một số cơ sở quân sự và lập căn cứ tiền tuyên cho máy bay và chiến hạm Mỹ. 

Tuy nhiên, thỏa thuận này còn đang gặp vướng mắc pháp lý tại Philippines và vẫn chưa rõ khi nào bắt đầu đợt triển khai mới các lực lượng Mỹ.

Theo South China Morning Post
MỚI - NÓNG