Philippines muốn Nhật trở thành đối trọng với Trung Quốc

TPO - Philippines ủng hộ sự hình thành một lực lượng vũ trang toàn diện tại Nhật Bản, với điều kiện Tokyo phải trở thành yếu tố đối trọng trước tiềm lực quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh tại khu vực.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times của Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho rằng, trước diễn biến ngày càng phức tạp, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đòi hỏi những yếu tố đặc biệt có giá trị, góp phần duy trì sự cân bằng trong khu vực, và người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Philippines thừa nhận sự ủng hộ đối với Nhật Bản trong việc tạo lập một liên minh làm đối trọng với sự lớn mạnh của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Nhật Bản, ông Koichiro Gemba.

Giới phân tích cho rằng, tranh chấp lãnh thổ gần đây tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang chứng tỏ lập trường ngày càng cứng rắn, đã trở nên nặng nề hơn.

“Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines như một tín hiệu cho thấy triển vọng về sự thúc đẩy hình thành một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực”, ông Hayashi Yoshinaga, Tổng thư ký Viện Địa chính trị quốc tế của Nhật Bản nhận định.

Theo ông Hayashi Yoshinaga, một liên minh như thế thực sự phù hợp với đường lối chiến lược hiện nay của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương: “Từ năm 1945, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã đề ra học thuyết Domino với mục đích kiềm chế các nước XHCN ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Truman hi vọng xây dựng và đưa Nhật Bản vào trung tâm của Tổ chức Hiệp ước Đông Bắc Á (NEATO).

Khi ấy, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) đã chấp thuận ý tưởng khôi phục lực lượng vũ trang Nhật Bản, hợp lực các nước Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc... xung quanh Nhật. Sau hơn nửa thế kỷ, ý tưởng trên được hồi sinh”.

Tại cuộc họp cấp cao giữa các quan chức quốc phòng và ngoại giao thường niên năm 2012 diễn ra ngày hôm qua, 12-12 tại Philippines, Washington và Manila đã nhất trí tăng cường sự hiện diện của tàu chiến, máy bay và lính Mỹ ở Philippines.

Tại cuộc gặp, hai bên đã đồng ý tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh trong thời điểm Trung Quốc leo thang căng thẳng trên biển Đông. Ngoài ra, Manila muốn Washington triển khai thêm quân và khí tài quân sự để giúp Philippines huấn luyện tập trận và cứu trợ thảm họa.

Reuters dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Philippines Carlos Sorreta cho biết: “Vấn đề hai nước thảo luận lúc này là tăng cường sự hiện diện luân phiên của các lực lượng Mỹ ở Philippines”.

Ông Carlos Sorreta cũng tiết lộ, Mỹ và Philippines đã thông qua kế hoạch tập trận chung năm năm, mở đầu sẽ là cuộc tập trận đổ bộ vào năm 2013 với sự hiện diện của 2.800 binh lính hai nước và tàu ngầm tấn công chiến lược USS Olympia của Hải quân Mỹ.

Mỹ khẳng định tăng cường hợp tác quân sự với Philippines.

Trong khi đó, phát biểu tại buổi họp báo, Mỹ khẳng định, lập trường của Washington không can thiệp trực tiếp vào tranh chấp ở biển Đông, mà tập trung tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh trong khu vực.

Hồi tháng 5-2012, Mỹ khẳng định sẵn sàng bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột ở khu vực.
Trước đó, tháng 6-2011, Washington tuyên bố ý định hỗ trợ Philippines liên quan với các tranh chấp lãnh thổ trầm trọng hơn ở Biển Đông, trong đó bao gồm năm quốc gia.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng Washington có nghĩa vụ để hỗ trợ Philippines đảm bảo an ninh hải quân trong tình hình căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Ám ảnh lịch sử

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đề xuất tuy chưa chính thức của Ngoại trưởng Philippines sẽ khó nhận được sự tán đồng của nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, dẫu trên thực tế, các nước trong khu vực đang cảm thấy “khó thở” hơn bao giờ hết trước những kỳ vọng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.

Hàn Quốc vượt qua ám ảnh quá khứ?.

Voice of Russia dẫn phân tích của chuyên gia Valery Kistanov: “Việc Philippines ủng hộ lực lượng quân đội chính qui tại Nhật Bản là thực tế rất bất thường. Đã có thời, các nước châu Á-Thái Bình Dương trở thành miếng mồi xâm lược của Nhật, những vết thương còn hằn sâu trong ký ức của người dân những nước này, kể cả Philippines. Đối với các quốc gia từng bị xâm lược, tồn đọng không ít vấn đề liên quan chưa được giải quyết.

Ví dụ, Hàn Quốc đòi Nhật Bản bồi thường cho những phụ nữ từng bị huy động phục vụ tình dục tại các nhà thổ của quân đội Nhật. Cộng với tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, các vấn đề nan giải không cho phép hai đồng minh của Mỹ ở châu Á xích lại gần và khép kín tam giác Nhật Bản-Hàn Quốc-Mỹ. Đó là điều mà Mỹ vô cùng quan tâm. Một tam giác kỳ vọng trở thành yếu tố đối trọng mạnh mẽ với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.”

Dẫu vậy, giới chức Philippines vẫn khẳng định, một khi có tranh chấp, Manila sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Washington và Tokyo.

Tùng Dương (tổng hợp)

Theo Viết