Philippines bác bỏ ‘thoả thuận với Trung Quốc về cấu trúc tranh chấp’

TPO - Philippines vừa lên tiếng bác bỏ thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra, rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận về một cấu trúc tranh chấp trên Biển Đông.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói rằng đầu năm nay, hai bên đã đồng ý về một "mô hình mới" để quản lý căng thẳng ở bãi Cỏ Mây, nhưng không nêu chi tiết.

Ngày 27/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro khẳng định bộ của ông “không biết hoặc không tham gia bất kỳ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc” kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức năm 2022. Các quan chức của Bộ Quốc phòng không trao đổi với bất kỳ quan chức Trung Quốc nào kể từ năm ngoái, ông Teodoro tuyên bố.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa phản hồi đề nghị bình luận về tuyên bố của ông Teodoro.

Trong những tháng gần đây, tàu công vụ của Bắc Kinh và Manila nhiều lần đụng độ tại bãi đá ngầm tranh chấp.

Manila cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn và bắn vòi rồng vào các tàu tiếp tế cho binh lính Philippines đồn trú trên một tàu hải quân cũ mà Manila cố tình cho neo đậu từ năm 1999 để củng cố yêu sách của mình.

Ông Teodoro nói rằng, khẳng định của Trung Quốc về thỏa thuận song phương là “thông tin tuyên truyền sai sự thật của Trung Quốc”, đồng thời tuyên bố Philippines sẽ không bao giờ ký kết bất kỳ thỏa thuận nào làm tổn hại đến yêu sách của nước này trên biển.

“Câu chuyện mà các quan chức Trung Quốc đang tuyên truyền là một nỗ lực thô bạo khác nhằm thúc đẩy sự giả dối”, ông Teodoro nói.

Ngày 9/3/2024, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây.

“Việt Nam rất quan ngại về căng thẳng gần đây ở Biển Đông, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Việt Nam cho rằng mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, bà Phạm Thu Hằng nói.

Theo Reuters