Phiêu bạt cùng ong

Đàn ong đặt trong vườn cao su.
Đàn ong đặt trong vườn cao su.
TP - Đang là mùa từng đàn ong khắp mọi miền ào ạt bay về các trang trại, cánh rừng theo hương sắc quyến rũ các loài hoa trên mênh mông cao nguyên. Dưới những tán rừng có nhiều loại hoa lá thơm mát, các chủ trại cho ong tập kết để thực thi nhiệm vụ hút mật vo phấn. Chắt chiu dâng đời tinh chất vạn hương, vạn hoa…

Chu du bốn phương

Từ tháng 10/2015 đến nay, anh Trần Văn Đống (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) đưa đàn ong rời Bình Phước đến Đắk Lắk để tiếp cận mùa hoa cà phê. Cứ nghe ngóng các bản tin khí tượng, nông lâm, biết nơi nào sắp có mùa hoa nở, là anh Đống sửa sang làm mới các “nhà” ong, rồi chất tổ ong lên xe ô tô tải di chuyển đến đó.

“Từ Hà Tĩnh, thông qua dự báo thời tiết và kinh nghiệm của những năm trước, trong đêm tôi chuyển cả đàn ong vào Bình Phước. Vừa vào được một tháng lại di chuyển qua Quảng Nam rồi lại vòng về Bình Phước. Trên Tây Nguyên, hoa cà phê đầy mật ngọt nở bung là cơ hội giá trị nhất trong năm, chúng tôi không thể bỏ qua” – anh Đống chia sẻ.

Năm nào đàn ong cũng được chủ nhân đưa đến rất nhiều nhà vườn ở các tỉnh thành khắp mọi miền đất nước. “Ở miền Bắc chúng tôi đến Bắc Giang vào mùa vải, đến Hưng Yên vào mùa nhãn, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam… vào mùa hoa tràm. Miền Tây thì phong phú với đủ các loài hoa. Khi đến với vùng này, chúng tôi phải liên hệ với chính quyền và người dân để được đặt đàn ong ở vị trí thuận lợi đi lại. Sau đó, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ tư trang, thuê xe tải rồi di chuyển.

Tuổi thọ của ong chỉ ngắn ngủi trong khoảng từ 45 đến 50 ngày. Sau khi ong chết phải thay bằng lớp kế cận nhờ ong chúa sinh sản. Do vậy, việc cho ong di chuyển liên tục, ngoài việc nhằm mục đích hút phấn hoa, tăng năng suất, chất lượng của thành phẩm, còn có tác dụng duy trì đàn ong, kích thích ong thợ làm việc suốt ngày đêm” - anh Đống cho biết.

“Giá mật ong hiện nay giảm thấp là do nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước và trên thế giới giảm. Công ty của chúng tôi, thu mua mật của các hộ nông dân ở khắp cả nước, xuất khẩu tới 95% sang thị trường Mỹ. Mấy năm gần đây, do nghề nuôi ong các nước đều trúng mùa, đã đến giai đoạn sản lượng mật ong bão hoà, khiến giá bị rớt thê thảm, chỉ bằng 60 đến 70% so với 4 năm về trước”.

Một cán bộ công ty 

Ong Mật Đắk Lắk

Một con ong chúa có thể đẻ từ 800 đến 1 nghìn trứng/ngày/đêm, tuỳ thuộc vào chất lượng phấn hoa. Tuổi thọ của ong chúa kéo dài từ 1 đến 5 năm, tùy thuộc vào công chăm sóc và thời tiết.

“Về với Tây Nguyên, ong chúa dường như được sống khoẻ mạnh hơn, do vậy cả “đội quân” ong thợ cũng làm việc suốt ngày đêm không mệt mỏi. Thời điểm này, cà phê ở Đắk Lắk rụng hoa, kết trái. Đàn ong lại chuyển sang thích hút chất ngọt rỉ ra từ nách cành lá cây cao su chứ không phải mật hoa cao su. Rừng cao su ở Đắk Lắk đang trong giai đoạn “thay áo mới”. Tranh thủ chọn đúng thời điểm này đưa ong về là rất phù hợp !” – Anh Đống cho biết thêm.

Về mùa mưa, khi lượng phấn hoa không còn, người nuôi bắt buộc phải cho ong ăn đường để duy trì đàn, nếu không ong sẽ yếu dần và chết. Chi phí đầu tư giai đoạn này tốn kém nhất. Trong một thùng ong, có 3 loại: ong đực, ong thợ và ong chúa, trong đó ong thợ chiếm số lượng lớn nhất.

“Làm được một năm, chúng tôi phải tìm cách thay ong chúa mới. Chọn cầu ong, lấy trứng của ong chúa mới đẻ được từ 1 đến 2 ngày, chuyển trứng sang ổ mới gọi là “nụ” đặt trong một thùng có đông ong thợ. Tránh trường hợp trong một thùng có hai, ba ong chúa, vì chúng sẽ đánh nhau để giành vị trí thủ lĩnh. Ong chúa nào thua trận sẽ ra đi, kéo theo nhiều ong thợ đến nơi kết tổ mới. 10 ngày sau, khi cắt nụ, ong chúa sẽ lần lượt phối giống, cai quản cả thùng.

Đặc biệt, hễ đặt ong chúa nơi có nhiều ong thợ khoẻ, tốc độ xây tổ, sinh sản sẽ cấp tập, hiệu quả hơn. Nếu ong làm nhanh, chỉ cần 1 ngày mỗi thùng ong sẽ xây xong một cầu để tiết mật ! ” – Anh Võ Trường Sinh (33 tuổi) truyền dạy.

Phiêu bạt cùng ong ảnh 1

Chuẩn bị làm “nhà” cho ong.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong lâu năm, việc cho ong ăn thức ăn tự nhiên ngoài việc tăng năng suất, chất lượng mật, còn giảm được từ 65 – 70% chi phí mua thức ăn. Ong cũng là loài dễ nhiễm bệnh, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh thối ấu trùng, bị rệt cắn đứt cánh… Vì vậy người nuôi ong phải theo dõi sát, biết rõ phương thuốc đặc trị để chữa đúng bệnh, kịp thời.

Anh Sinh kể: Chúng tôi thường phải để những chậu lớn đựng đầy nước sát thùng ong, để ong đủ nước sinh hoạt, không phải bay vào nhà dân hay ra đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Mùa mưa về là lúc ong dễ bị nhiễm bệnh. Nấm bệnh phát triển lúc khan thức ăn nên ong thiếu sức đề kháng. Chúng tôi có khi thức cả đêm để chăm sóc ong, không để ong chết hàng loạt. Ngoài kinh nghiệm, niềm đam mê là điều quan trọng nhất dẫn đến thành công của mọi nghề. Nghề nuôi ong cũng không ngoại lệ !

Vui buồn theo cánh ong bay

Đã có gia đình và một đứa con thơ, vì mưu sinh anh Võ Trường Sinh thường xuyên phải xa vợ con, phiêu du đó đây cùng đàn ong mật. Anh Sinh đến với nghề ong như một duyên phận, nhờ được anh Đống là anh của vợ truyền nghề, rồi cả hai cùng hùn vốn làm ăn.

Anh Đống là kỹ sư Điện lực. Để anh hoàn thành khoá học, gia đình đã mất cả núi tiền, nhưng ra trường chạy vạy mãi Đống vẫn không xin được việc. Đang chờ việc mòn mỏi, tình cờ Đống đến nhà người quen ở huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk). Thấy nghề nuôi ong thu nhập khá, nên anh theo học, rồi hành nghề này gần 7 năm  nay. “Khi còn được giá, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Mỗi năm bán mật trừ mọi chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng. Nhưng nay, giá mật xuống thấp chỉ bằng 60 – 70%, chúng tôi chỉ biết làm cầm chừng, chờ đợi giá tăng. Vắt được gần 2 tấn mật, chờ 3 ngày rồi đại lý vẫn chưa vào thu mua” – Anh Đống lo lắng.

Bữa cơm trưa của anh Đống, anh Sinh ngay tại vườn cao su của một hộ dân ở xã Ea H’đing, huyện Cư M’ga khá thịnh soạn. Do có tay nghề khéo hơn, anh Sinh được giao nhiệm vụ làm hậu cần. “Mỗi lần di chuyển, chúng tôi phải mang theo đầy đủ hành trang, từ bàn chải đánh răng cho đến xoong nồi nấu cơm. Tới đâu dựng tạm túp lều che bạt, đêm ngủ lại. Về mùa hè ngủ vậy mát mẻ dễ chịu. Nhưng mùa đông gió lạnh, người nuôi ong toàn phải xin ngủ ké nhà dân” – Anh Sinh kể.

Phiêu bạt cùng ong ảnh 2

Anh Sinh chuẩn bị nấu ăn.

Bưng bát cơm thơm dẻo, anh Phạm Văn Thiện (32 tuổi, ngụ tại Minh Lập, huyện Chân Thành, tỉnh Bình Phước) cười khoe hôm nay đàn ong thợ làm việc năng suất trên cả sự mong đợi của anh. Anh tâm sự, yêu nghề  vì được đi nhiều, đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, dù điều này đồng nghĩa với việc xa vợ con dài ngày, thường xuyên. “Hôm qua biết tin con gái 3 tuổi bị ốm, gọi điện về mà lòng quặn thắt. Ở nhà, cách xa đôi bên nội ngoại nên mọi công việc đều do một tay vợ đảm nhiệm. Tôi thì đi xa, đi lâu, đi nhiều… nhớ nhà lắm”.

“Còn nhớ ngày đầu vào nghề, mới đặt chân đến Bình Phước, chúng tôi bị một thanh niên xông đến trại ong đòi tiền “chung chi”. Để được yên ổn, chúng tôi buộc phải cống nộp. Ở một số địa phương, lãnh đạo thôn xã lại cho rằng ong về sẽ phá hoại hoa màu nên ngăn cản, buộc chúng tôi phải di chuyển sang địa bàn khác. Nghề này nếu không đam mê, sẽ nhanh chán và sớm bỏ cuộc” – Ông Đặng Quang Ngại nói.

“Những thanh niên chưa lập gia đình như tôi sẵn sàng đưa ong đi bất cứ nơi đâu, miễn đàn ong được ăn no đủ, làm ra nhiều mật. Điều đáng lo là giá mật ong bán ra đang xuống quá thấp, chỉ 17 nghìn đồng/1 kg, ngang với giá đường, thật không hiểu nổi !” – Anh Đống than phiền!

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.