Phiên tòa xử vụ Cty VN Pharma: Trách nhiệm Cục Quản lý Dược đến đâu?

Tại phiên toà sáng 22/8. Ảnh: Tân Châu.
Tại phiên toà sáng 22/8. Ảnh: Tân Châu.
TP - Hôm qua 22/8, ngày xét xử thứ 2 vụ “Buôn lậu”, “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”, xảy ra tại Cty VN Pharma. Đại diện VKS nêu quan điểm buộc tội 9 bị cáo và sau đó Tòa tiến hành phần tranh tụng.

Đổ lỗi qua lại

Đại diện VKSND TPHCM cho rằng, trong phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Minh Hùng ( nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc Cty VN Pharma) không thừa nhận các sai phạm, khi thì cho rằng số thuốc dởm mà VN Pharma nhập về không gây nguy hiểm khi thì lại đổ thừa cho đối tác. “Anh Cường (giám đốc Cty Hàng hải quốc tế H&C) nhập hàng về không đúng thỏa thuận nên đây là tai nạn nghề nghiệp tôi phải chịu”, ông Hùng trình bày trước tòa. Bị đổ lỗi, bị cáo Cường lập tức thoái thác: “Thưa tòa, bị cáo không biết về dược, bị cáo chỉ biết đó là hàng từ Canada về, bị cáo không biết đó là thuốc dởm”.

Dù ông Hùng và Cường đùn đẩy trách nhiệm, VKS vẫn cho rằng hồ sơ, chứng cứ và xuyên suốt quá trình điều tra của Cơ quan điều tra, VKS nhận thấy từ năm 2013 đến 19/9/2014, Nguyễn Minh Hùng thông qua Võ Mạnh Cường làm và sử dụng các giấy tờ giả, con dấu bất hợp pháp gồm: Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC), Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada; Sử dụng con dấu bất hợp pháp đóng vào hồ sơ thuốc H-Capita 500mg Caplet, trong đó có Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm; Hợp đồng, các phụ lục mua bán và làm giả các chứng từ thủ tục thanh toán tiền bằng cách chuyển tiền vào hai tài khoản của dịch vụ chuyển tiền để được Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu hơn 9.000 hộp H-capita 500mg. Hành vi của các bị cáo cấu thành tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Với hành vi sai trái của các bị cáo, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng mức án từ 10-12 năm tù; các bị cáo còn lại từ 2 đến 6 năm tù.

Luật sư “đá” nhau

Phần tranh tụng, Tòa cho hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng tham gia tranh tụng với đại diện VKS. Theo luật sư của bị cáo Hùng, trong giao dịch, Cty VN Pharma đã làm đúng quy định, khi nhập hàng thì liên hệ khách hàng (ông Võ Mạnh Cường) và được đưa  2 giấy, sau này bị cơ quan điều tra kết luận là giả, vì vậy cần xem xét trách nhiệm thuộc về ai. “Giám định khoa học hình sự mới biết là giấy giả thì làm sao bị cáo Hùng bằng mắt thường lại có thể biết đó là các hồ sơ giả được” – Luật sư của bị cáo Hùng phân trần và cho rằng: do không phát hiện được giấy tờ giả này mà bị cáo Hùng phạm sai lầm và đề nghị HĐXX không tuyên phạt 10-12 năm tù như VKS đưa ra.

Trong khi đó, luật sư thứ 2 của bị cáo Hùng cho rằng, trong vụ án cần phân chia 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 thì Cty VN Pharma không có sai gì, có chức năng kinh doanh đúng ngành nghề, được đàm phán với đối tác và thực tế trong vụ án diễn ra như vậy. Giai đoạn 2 là Cty VN Pharma sau khi có giấy phép tiến hành nhập khẩu, ông Hùng có chỉ đạo cấp dưới là theo quy định Cty, là trách nhiệm của lãnh đạo phải chỉ đạo thuộc cấp làm việc. “Ông Hùng không chủ ý chỉ đạo nhân viên làm sai, nếu có sai thì khách quan, không chủ ý” – vị luật sư nói. Giai đoạn 3 theo luật sư là khi nhập khẩu thuốc về tới Việt Nam, nghi ngờ thuốc kém phẩm chất, chính ông Hùng chủ động gửi mẫu thuốc đi thẩm định, nếu có lỗi là do cơ chế, quy trình chứ ông Hùng không chủ động
sai phạm.

Theo luật sư, diễn biến vụ việc cho thấy ông Cường mới giữ vai trò đầu vụ. Khi Cơ quan an ninh bắt tạm giam, từ năm 2012 ông Cường đặt vấn đề bán thuốc, tiếp thị cho ông Hùng, chứng tỏ ông Cường đã làm giả trước đó, trong hồ sơ có thể hiện. “Nếu mà ông Cường không cung cấp những loại giấy tờ (công an xác định làm giả) thì ông Hùng “không rảnh để giao dịch với ông Cường” – vị luật sư nói.

Phần tranh tụng của luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TPHCM) bảo vệ cho bị cáo Võ Mạnh Cường tỏ ý “làm tiếc” khi luật sư Hùng lại đóng vai trò bên thứ 3 kết tội thân chủ ông. “Luật sư thì không thể làm vậy khi bảo vệ bị cáo tại phiên tòa” – ông Phan Trung Hoài “tuýt còi” đồng nghiệp.

Tranh tụng với cáo buộc của VKS, luật sư Hoài cho rằng cần xem xét lại bản chất vụ án và hành vi của bị cáo Cường, vì thực chất Cường không biết lô hàng 9.300 hộp H-Capita không có xuất xứ từ Canada và không biết các giấy chứng nhận FSC, GMP là giả mạo, cũng như cần điều tra, làm rõ người thực hiện hành vi giả mạo các giấy tờ nêu trên cùng chứng thực hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Ngoài ra ông Hoài cũng nói rằng cần bảo đảm tính khách quan của việc thành lập Hội đồng giám định thuốc, cũng như cần giải thích, làm rõ các kết luận của Hội đồng giám định liên quan chất lượng thuốc, từ đó yêu cầu trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định mới không có các thành viên thuộc Cục Quản lý Dược Bộ Y tế.

Trách nhiệm của Cục Quản lý dược đến đâu?

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, theo quy định đối với việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp hồ sơ để Cục Quản lý Dược Bộ Y tế xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu cho lô hàng, trong hồ sơ phải có FSC và GMP. Tuy nhiên, FSC và GMP do VN Pharma nộp hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu lô hàng thuốc H-Capita được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Căn cứ trên hồ sơ VN Pharma cung cấp, ngày 30/12/2013 Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã cấp Giấy phép nhập khẩu cho VN Pharma nhập khẩu thuốc H-Capita. Ngày 11/4/2014, VN Pharma đã nhập khẩu 9.300 hộp H-Capita qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất với giá trị 697.500 USD.

Kết quả điều tra vụ án đã làm rõ được hồ sơ kỹ thuật thuốc do VN Pharma nộp cho Cục Quản lý Dược Bộ Y tế là hồ sơ giả nên Bộ Y tế đã cấp giấy phép nhập khẩu đồng ý cho Cty VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita, trong đó đã có 9.300 hộp nhập vào Việt Nam. Số thuốc này về mặt pháp lý được xác định là nhập khẩu bằng con đường hợp pháp vào Việt Nam, nay xác định hồ sơ bị giả mạo, có phần trách nhiệm của Cục Quản lý Dược Bộ Y tế. Chính Cục Quản lý Dược đã ban hành văn bản số 22113 ngày 3012/2013 (có giá trị như giấy phép nhập khẩu), đồng ý cho VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita, có giá trị 01 năm nên VN Pharma mới nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita.

Tại Văn bản số 41 ngày 8/1/2016, Cơ quan an ninh điều tra( Bộ Công an) cho rằng các cán bộ thuộc Cục Quản lý Dược Bộ Y tế không phát hiện Cty Austin hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam, trong khi Hội đồng giám định Bộ Y tế tiến hành giám định, kết luận lô thuốc trên là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Nguyên nhân là do Cục Quản lý Dược chưa làm hết trách nhiệm, để cho VN Pharma lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, cấp phép, thực hiện hành vi buôn lậu thuốc…

Nhiều cán bộ Bộ Y tế sai phạm

Tại phiên tòa, VKS đã công bố hàng loạt cán bộ của Bộ Y tế có sai phạm. Cụ thể là ông Nguyễn Tấn Đạt- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược; ông Phạm Công Chiến- Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Trưởng phòng pháp chế và bà Lê Thúy Hương, chuyên viên – là những người trong Tổ thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của Cty VN Pharma nhưng không làm tròn trách nhiệm.

MỚI - NÓNG