Phiên dịch cho người Mỹ - nghề nguy hiểm nhất ở Iraq

Phiên dịch cho người Mỹ - nghề nguy hiểm nhất ở Iraq
TP - Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Iraq vừa ban hành quy định buộc tất cả những người phiên dịch tiếng Ả rập cho họ ở thủ đô Baghdad không được đeo mặt nạ.
Phiên dịch cho người Mỹ - nghề nguy hiểm nhất ở Iraq ảnh 1
Để tránh bị nhận mặt, các phiên dịch viên người Iraq phải đeo mặt nạ thế này

Lệnh này vừa ban hành đã lập tức có một loạt phiên dịch viên bỏ việc, những người vẫn ở lại làm việc thì nơm nớp lo sợ trở thành mục tiêu để các phần tử vũ trang chống đối trả thù.

Trước đây, những người Iraq được quân đội Mỹ hoặc các công ty phương Tây thuê làm phiên dịch đều tìm mọi cách che mặt để tránh bị những đồng bào của mình nhận mặt.

Một thông dịch viên người Iraq bộc bạch: những phần tử cực đoan cho rằng những người phiên dịch đều là kẻ phản bội tư thông với kẻ thù nên rất căm hận. Vì thế, các phiên dịch viên là mục tiêu tấn công hàng đầu, thậm chí còn dễ bị giết hại hơn cả lính Mỹ.

Từ 2003 đến nay đã có tới 300 phiên dịch viên tiếng Ả rập bị giết hại ở Iraq. Có người chết do bắn tỉa, có người chết do giẫm phải mìn. Dù chết rồi, họ vẫn bị chửi rủa là kẻ phản bội bán nước cầu vinh.

Một quan chức quân đội Mỹ ở Iraq nói, do tình hình an ninh ở Baghdad đã được cải thiện rõ rệt nên từ tháng 9/2008, lệnh cấm phiên dịch viên mang mặt nạ đã được ban hành. “Chúng tôi là một quân đội chuyên nghiệp nên không thể che giấu mình sau mặt nạ”.

Một người phát ngôn của BCH quân đội Mỹ nói, họ cảm kích về những đóng góp cũng như hy sinh của các phiên dịch viên, đồng thời lại nói, nếu các phiên dịch viên không đồng tình với lệnh cấm này thì có thể tìm kiếm công việc khác.

Từ một năm rưỡi trước đây, quân Mỹ ở Iraq đã bước vào cuộc chiến ngõ phố, các phiên dịch viên đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp lính Mỹ chung sống với dân, làm dịu không khí đối đầu và đảm bảo an ninh công cộng.

“Hơn một năm rưỡi qua, xung đột bạo lực đã giảm rõ rệt, đó là sự thực không thể phủ nhận. Nhưng nếu cho rằng mối nguy hiểm đối với người dân Iraq không còn nữa thì thật là ngu xuẩn” - Johnson, người khởi xướng “Kế hoạch danh sách” - một tổ chức tập hợp những người Iraq từng phục vụ cho người Mỹ, nói.

Ông cho biết, sau khi có lệnh cấm mang mặt nạ, nhiều phiên dịch viên người Iraq đã liên hệ với tổ chức của ông. “Hàng trăm người đã viết thư cho chúng tôi. Họ rất tuyệt vọng và sợ hãi. Nhiều người đã bỏ quê hương ra đi chỉ vì bị mọi người biết đã làm việc cho quân đội Mỹ”.

Một số lính Mỹ cũng cho rằng lệnh cấm này là một điều tồi tệ. “Đối với các phiên dịch viên, đây là chuyện lớn liên quan đến vấn đề sống chết. Tôi không thấy việc họ mang mặt nạ có điều gì bất ổn? Sao lại bắt những người làm việc cho chúng ta phải mạo hiểm tính mạng như thế?” - một lính Mỹ ở miền Nam Iraq nói với các phóng viên.

Một phiên dịch viên tên là Jack nói, sau khi cấp trên thông báo không được mang mặt nạ nữa, anh ta rất tuyệt vọng.

Ngay trong chuyến đi tuần đầu tiên cùng lính Mỹ không mang mặt nạ ở Đông Baghdad, Jack đã bị một số “phần tử xấu” nhận mặt. Sau đó, khi về nhà nghỉ phép, bà mẹ anh ta nói có kẻ đã bắn hàng chục phát đạn vào nhà khiến bà mẹ suýt trúng đạn.

Báo chí Mỹ trước đây đã đăng lời kể của Omar Hussein, một phiên dịch viên người Iraq trong quân đội Mỹ cho biết, trong mấy năm làm phiên dịch, anh ta đã 37 lần bị bắn lén, 37 lần bị tấn công bằng thủ pháo và 11 lần bị pháo kích nhưng may mắn thoát chết.

Vì làm phiên dịch cho quân Mỹ nên anh ta bị người thân từ mặt. Anh ta mong được nhập quốc tịch Mỹ nếu may mắn sống sót sau khi kết thúc chiến tranh.

Lan Hương
Theo China.com, 18/11

MỚI - NÓNG