Thêm cái lý nữa của ông này, đó là Nhật Bản cũng vừa có “phí tạm biệt” (sayonara tax) tương tự! Và nhiều nước khác cũng có…
Đọc thấy trong Hương ước của mấy làng lụa ở Hà Đông thời xưa, từ thế kỷ 18, hễ ai mang hàng ra khỏi cổng làng phải nộp tiền. Kể cả người làng lẫn khách mua hàng cũng phải nộp. Thứ lệ làng nhằm bảo hộ sản xuất, độc quyền phân phối. Tư duy “BOT cổng làng” đã hình thành từ thời xa xưa, đầy chất tiểu nông, kìm hãm phát triển.
Lại thấy Hương ước một làng ở huyện Thanh Hà, Hải Dương thời xưa, những kẻ cùng đinh phải bỏ làng tha phương cầu thực, cũng bị ghi nợ thuế và đủ loại phí ở quê, nếu muốn quay về làng sẽ phải truy nộp toàn bộ!
Lác đác thấy việc thu tiền ra vào làng giờ đã và đang lặp lại nhiều nơi. Ở Thanh Hóa có xã nọ thuộc huyện Nông Cống một dạo rộ lên việc thu “đóng góp nghĩa địa” 150 ngàn đồng một người, từ đứa trẻ con trở đi. Những thứ tiền “chết” ấy ám ảnh ghê gớm, như một thứ “ma làng” thời hiện đại.
Chưa kể phải hỏi, rằng nếu tôi chia tay vợ con đi qua tỉnh khác có việc, mỗi lần qua sân bay, nhà ga bến xe thì không cần được nhân viên công vụ ở đấy chăm sóc và… tươi cười à?!
Các quan được doanh nghiệp bao đi du hí nước ngoài từng đoàn, như đoàn mới đây theo đuôi đại gia “xăng đểu” Trịnh Sướng ở một tỉnh miền Tây, nếu có phải đóng “phí cười” cũng chẳng biết đâu vào đâu. Nhưng từng đoàn người đi lao động xuất khẩu bây giờ mà phải nộp “phí cười”, cười sao nổi.
Trong bối cảnh tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam đang ở mức cao ngất, với số lượng các loại thuế, giá, phí nhiều khó đếm hết, thì sự phản ứng của dư luận là điều dễ hiểu.
Nên học cách thế giới người ta giải quyết các vấn đề xã hội tăng cường phúc lợi cho dân, hơn là học cách bòn tiền dân.