Phía sau tăng giá

Phía sau tăng giá
TP - Đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng và tiểu thương ở nhiều chợ bán lẻ tại Hà Nội, TPHCM cho hay, giá cả trong các tháng tới sẽ bắt đầu tăng giá. Giá tăng một phần do cớ: Chịu tác động của tăng giá điện và giá xăng tăng mạnh. Chủ nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng như sắt, thép, xi măng… thậm chí giá nhân công xây dựng cũng đang “nước nổi, bèo nổi” tăng theo. Dòng xoáy tăng giá dần xuất hiện.

Gần như tiên phong trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất, đại diện nhiều doanh nghiệp ngành xi măng cho hay, chi phí điện chiếm trên 10% chi phí sản xuất khiến sản xuất clinker đội thêm khoảng 7.500 đồng/tấn và xi măng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/tấn. Với các doanh nghiệp ngành thép, mức tăng giá cũng trong khoảng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. So với mức tăng giá điện 8,36% từ cuối tháng 3/2019, mức tăng này của các doanh nghiệp có gì đó sai sai. Về bản chất, nhiều doanh nghiệp ngành thép và xi măng đã rục rịch tăng giá bán lên khoảng 10% ngay từ sau Tết Nguyên đán, trước cả thời điểm tăng giá điện chính thức được áp dụng. Việc doanh nghiệp “đón sóng” vin cớ giá điện tăng để tăng giá bán là chuyện có thể hiểu và nhìn thấy khá rõ.

Với các mặt hàng thiết yếu và vận tải, giá hàng hóa tăng cũng được thông báo với lý do giá xăng tăng quá mạnh nên phải tăng giá để bù đắp chi phí. Như lời ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, cho biết chi phí nhiên liệu chiếm đến 35% giá cước vận tải. Do đó giá xăng dầu tăng đương nhiên ảnh hưởng đến cước vận tải. Phần lớn hợp đồng vận tải được ký kết dài hạn nên khi giá xăng dầu tăng, buộc chủ xe phải đàm phán lại với khách hàng.

Các chuyên gia dự báo, một làn sóng tăng giá có thể cũng xảy ra với các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Nhưng nhìn tổng thể, mức tăng giá sẽ tập trung ở những doanh nghiệp làm ăn không quá nhiều hiệu quả. Tăng giá vì tác động giá xăng, giá điện chỉ là cái cớ để nhiều đơn vị tìm kiếm lợi nhuận gia tăng, bù đắp cho việc quản lý, kinh doanh yếu kém. Lý luận này cũng khá hợp lý khi nhiều doanh nghiệp sản xuất rất lớn tuyên bố không tăng giá bán để giữ chân khách hàng. Phần chi phí phát sinh được bù đắp từ việc tăng hiệu quả quản trị và tiết kiệm trong sản xuất. Điểm cộng sẽ được tính cho các doanh nghiệp có tầm nhìn xa, hướng tới người tiêu dùng bằng cách không tăng giá bán trong trường hợp này.

Còn ở tầm vĩ mô, một chuyên gia khẳng định với Tiền Phong, tác động của tăng giá chắc chắn là có nhưng tác động ở mức nào cần thời gian để kiểm chứng. Với lĩnh vực xăng dầu, người điều hành giá là cả một nghệ thuật, vừa để quỹ không được âm, vừa phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát của Nhà nước, vừa hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Muốn như vậy thì người điều hành giá xăng dầu cần có chuyên môn sâu, tầm nhìn xa và chiến lược. Điều hành kiểu ăn đong từng kỳ ngắn hạn thì giật cục sẽ khiến người dân, doanh nghiệp phải trả giá. Chưa kể, trong điều hành, nếu để các doanh nghiệp lỗ hoặc không phát triển được thì tác hại cũng rất lớn.

Với diễn biến của giá xăng dầu thế giới trong những ngày qua, chỉ ít ngày nữa lại đến kỳ điều hành giá xăng dầu, nếu nhà quản lý không nắm vững và phân tích được cơ chế thị trường, những làn sóng tăng giá sẽ sớm muộn bùng nổ khi giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh. Khi đó, sự trả giá của cả nền kinh tế còn nặng nề, rõ hơn rất nhiều.          

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.