Hát xoan – di sản vừa được UNESCO vinh danh- đã xuất hiện một cách khiêm tốn tại lễ hội Đền Hùng – Phú Thọ năm nay. Một số trại (văn hóa) diễn hát xoan, mở đĩa hát xoan, nhưng không mấy ấn tượng và không lại được trước đủ loại loa quảng cáo sản phẩm từ hàng quán trong khuôn viên đền.
Một gánh hát mang danh dân ca quan họ Bắc Ninh nhưng lại kết hợp nhảy nhạc vũ trường, trong đó những người tự nhận là liền anh liền chị ngoáy mông uốn éo đùa cợt trên đùi du khách hì hục xin tiền.
Chỉ một hành động này thôi đã xúc phạm hai di sản văn hóa: hát xoan và quan họ Bắc Ninh (đành rằng nhiều người quan họ thì vẫn luôn hiên ngang xin tiền ngay ở đồi Lim).
Chưa kể làm xấu mặt Đền Hùng – khi hồ sơ tín ngưỡng thờ Hùng Vương đang thi đấu để giành danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Di sản nhân loại, là giấc mơ của đền Hùng hiện nay, và của chùa Hương mấy năm trước. Nhưng cả hai dường như không giữ nổi tiếng thơm tiếng sạch cho mình. Tại Chùa Hương bán thịt thú rừng, nay ở đền Hùng cũng thế.
Chùa Hương nhiều cảnh nhếch nhác, chặt chém, nay tại đền Hùng cũng thế. Ở Chùa Hương, loa ông ổng quảng cáo kẹo bánh, nay ở đền Hùng loa còn mở to hơn.
Chùa Hương loạn với dịch vụ cho thuê chiếu chăn, ăn uống. Nay đền Hùng có hẳn cả sườn đồi toàn kinh doanh chăn chiếu.
Tín ngưỡng thờ Thánh Dóng cũng chung giấc mơ di sản, thế mà có thông tin cả bản gốc tượng đài Phù Đổng Thiên Vương, cũng bị phá.
Thực sự có những bất ổn quanh câu chuyện trước và sau danh hiệu di sản thế giới. Vịnh Hạ Long, sau khi lọt Top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, lập tức tăng giá vé.
Di sản văn hóa ở Việt Nam không chỉ nhuốm một màu chán nản. Còn có những điểm lấp lánh như Hội An, Cố đô Huế, hang động Phong Nha- Kẻ Bàng… Hay vì những nơi này đều là di sản vật thể nên người ta không phi một phát vào văn hóa?