Phí rút tiền ATM: Người muốn, kẻ chưa

Phí rút tiền ATM: Người muốn, kẻ chưa
Với khoảng 2,5 triệu thẻ nhưng Ngân hàng (NH) Đông Á chưa muốn thu phí giao dịch trên máy ATM như đề xuất của Hội Thẻ VN dự kiến áp dụng từ 1/1/2009.
Phí rút tiền ATM: Người muốn, kẻ chưa ảnh 1

Theo ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc NH Đông Á, sẽ tiến tới thu phí rút tiền nhưng phải có bước đi và tùy đối tượng. Ông Bình nói:

- Hội Thẻ VN muốn thu phí đối với giao dịch rút tiền. Đông Á thì không muốn như thế. Hiện Đông Á có khoảng 2,5 triệu thẻ. Nếu mỗi chủ thẻ thực hiện một giao dịch/tháng, với mức phí 1.000 đồng/giao dịch thì NH sẽ thu được 2,5 tỉ đồng/tháng.

Con số này không lớn, cũng chẳng nhỏ. Nhưng thu như thế thì những người có thu nhập thấp không duy trì tiền trên tài khoản, họ rút hết một lần để bớt tốn phí. Còn hiện nay rút tiền không mất phí, họ rút vừa đủ xài, cần thì rút tiếp.

Ông Trần Phương Bình 

Cả hai lần khi Hội Thẻ đề xuất thu phí giao dịch ATM, ông đều có ý kiến ngược lại, cơ sở nào để ông đề xuất chưa nên thu phí giao dịch ATM?

- Đông Á có thu phí giao dịch ATM vì chúng tôi đã đầu tư thiết bị và con người để cung cấp các dịch vụ từ ATM. Nhưng thay vì thu phí đối với giao dịch rút tiền mặt, chúng tôi lại tập trung thu phí từ các dịch vụ và tiện ích khác cao cấp hơn mà người dùng cảm thấy thuận tiện, được lợi.

"Tại nhiều nước, NH vẫn thu phí khi rút tiền mặt từ ATM, mức tối thiểu có thể là 1 USD. Tuy nhiên, do những nơi này phần lớn đã thanh toán qua NH nên khách hàng mỗi lần rút tiền mặt thường rất ít, chỉ khoảng vài chục USD, tính ra phí cũng khá cao. Còn tại VN, thanh toán phổ biến vẫn dùng tiền mặt, nếu thu phí rút tiền từ ATM mà khách hàng không “thông” thì họ sẽ giữ tiền mặt thay vì để trên tài khoản."

Đề xuất của Hội Thẻ là thu 1.000 đồng/giao dịch rút tiền. Chúng tôi chưa muốn thu phí này. Nhưng đổi lại chúng tôi thu các phí khác cao hơn đối với các dịch vụ “giá trị gia tăng” trên ATM. Chủ thẻ ATM muốn sử dụng dịch vụ chuyển tiền với hạn mức chuyển lên đến 500 triệu đồng/lần chuyển thì đăng ký và hằng tháng Đông Á thu phí là 100.000 đồng.

Tương tự với các SMS banking, Internet banking, mobile banking... thì NH vẫn thu phí, thấp nhất là 9.900 đồng/tháng. Mọi chủ thẻ đều có thể xem số dư trên tài khoản miễn phí, nhưng nếu yêu cầu được in báo cáo về số dư tài khoản thì NH phải thu phí. Tinh thần là phải thu nhưng phải có tiện ích cho chủ thẻ. Như vậy, đối tượng phải chịu phí sẽ hẹp hơn, họ thấy cần thì đăng ký sử dụng và sẽ thoải mái hơn khi trả phí.

* Nếu thành viên Hội Thẻ vẫn quyết tâm thu phí thì cần phải giải quyết vấn đề gì?

- Khi đã đặt vấn đề thu phí thì người sử dụng dịch vụ cũng sẽ đặt ngược lại vấn đề chất lượng dịch vụ đối với nhà cung cấp. Người sử dụng dịch vụ sẽ yêu cầu cao hơn và đòi hỏi sòng phẳng hơn vì đó là dịch vụ trả tiền. Vì vậy, NH phải chuẩn bị thật kỹ về hạ tầng, xử lý các tình huống quá tải, trục trặc. Khi chuẩn bị tốt mới nên thu phí.

* Một số khách hàng thắc mắc là cùng rút tiền trong hệ thống VNBC cũng phải chịu phí, có mâu thuẫn với những gì ông vừa nói là Đông Á không thu phí giao dịch rút tiền mặt?

- Hệ thống thẻ VNBC bao gồm nhiều NH, như Đông Á, Sài Gòn Công thương, NH Phát triển nhà ĐBSCL... Một khách hàng được NH Đông Á cung cấp thẻ, nếu rút tiền từ máy ATM của Đông Á thì không phải trả phí. Nhưng khách hàng đó đến rút tiền từ máy ATM của NH khác trong hệ thống VNBC thì phải trả phí vì khách hàng đó đã được cung cấp dịch vụ tiện lợi hơn.

* Theo ông, vì sao một số NH lại “chăm chăm” đòi thu phí giao dịch rút tiền của khách hàng?

- Một điểm vui chơi giải trí có nhiều dịch vụ tốt và người đến chơi sẵn lòng bỏ tiền ra để được sử dụng thì đơn vị tổ chức cũng sẵn sàng giữ xe miễn phí cho khách. Trường hợp có ít sản phẩm thì họ sẽ nghĩ tới việc thu tiền giữ xe của khách hàng.

Dịch vụ ATM cũng thế. Nếu NH triển khai được nhiều dịch vụ, nhất là dịch vụ mang lại tiện ích cao cho người sử dụng thì NH có nguồn thu đa dạng. Trường hợp NH có ít dịch vụ, chẳng hạn chủ yếu cung cấp dịch vụ rút tiền từ máy ATM thì họ cần phải thu phí để trang trải chi phí hoạt động. Vì để đảm bảo máy ATM luôn có sẵn tiền cho khách hàng rút, NH phải tốn kém rất nhiều chi phí.

* Vậy theo ông, có nên thu phí giao dịch ATM từ 1-1-2009 như đề xuất của Hội Thẻ?

- Hội Thẻ đã đặt vấn đề thu phí giao dịch ATM trong giữa năm 2008 nhưng do tình hình kinh tế lúc đó quá khó khăn, lạm phát tăng cao nên sau đó đã dừng lại. Sự chia sẻ đó là cần thiết, hợp lý. Theo tôi, nên tiếp tục sự chia sẻ này và dời thời gian thu phí qua năm 2010, khi tình hình kinh tế sáng sủa hơn và người dân quen hơn với các tiện ích từ dịch vụ trên thẻ.

Cuối tháng 5-2008, Hội Thẻ VN đề xuất thu phí giao dịch ATM, mức 1.000 đồng/giao dịch, áp dụng từ 1-7-2008 nhưng sau đó đã hoãn lại.

- Tháng 11-2008, Hội Thẻ đề xuất trở lại thu phí, mức thu là 1.000 đồng/giao dịch, trong đó có giao dịch rút tiền. Thời gian thực hiện có thể là 1-1-2009.

- Có khoảng 40 NH thuộc ba liên minh thẻ là Smartlink, BanknetVN và VNBC đã phát hành khoảng 10 triệu thẻ. Hiện giao dịch rút tiền từ máy ATM phần lớn không phải mất phí nhưng số lần rút và số tiền rút trong ngày tại từng NH có khác nhau.

- Một số NH đã tạo thêm nguồn thu nhờ khai thác rất tốt việc “bán hàng qua thẻ”, chiếc thẻ chỉ là “cửa” để NH bán dịch vụ và đổi lại NH cung cấp dịch vụ rút tiền miễn phí.

- Hiện có một số khách hàng đang sở hữu thẻ nhưng lại không xuất phát từ nhu cầu của cá nhân mà từ yêu cầu của đơn vị chi trả thu nhập (cơ quan nhà nước, đơn vị sản xuất kinh doanh...). Trong số đó có nhiều cán bộ - nhân viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước, kể cả một số người hưu trí.

Theo T.Tuyển
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.