Nhóm nghiên cứu Đại học California (UCI) cho biết trong hành trình lên hành tinh đỏ, phi hành gia có thể hình thành chứngmất trí nhớ vĩnh viễn, khi bộ não bị bức xạ"tấn công". Quá trình tiếp xúc với các hạt điện tích năng lượng cao, giống những hạt được tìm thấy trong bức xạ vũ trụ, sẽ gây tổn thương nặng nề cho hệ thần kinh trung ương và khiến não suy yếu.
"Đây không phải thông tin tích cực cho các phi hành gia sắp thực hiện hành trình 2-3 năm lên sao Hỏa. Suy giảm phong độ, mất trí nhớ và ý thức, thiếu tập trung trong các chuyến bay không gian sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động quan trọng. Việc tiếp xúc với những hạt này còn gây hậu quả lâu dài đến nhận thức trong suốt cuộc đời", Telegraph dẫn lời giáo sư Charles Limoli của UCI, nói.
Để kiểm tra, các chuyên gia cho những con chuột tiếp xúc với môi trường mô phỏng bức xạ không gian tại phòng nghiên cứu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Họ nhận thấy nó có tác động đến não của chuột, làm gián đoạn quá trình dẫn truyền tín hiệu giữa tế bào thần kinh.
Quỹ đạo sao Hỏa gần nhất cách Trái Đất khoảng 55.000.000 km và chuyến bay lên hành tinh đỏ kéo dài từ 150 đến 300 ngày tùy thuộc vào tốc độ phóng. Điều này có nghĩa rằng, trong hành trình đặt chân đến mục tiêu và quay trở về, phi hành gia sẽ phải chịu đựng mức độ bức xạ nguy hiểm gần hai năm.
Những người làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) không phải đối mặt với mức độ bức xạ vũ trụ tương tự vì họ vẫn ở trong vòng từ quyển của Trái Đất.