Phi công nói máy bay không người lái Mỹ sẽ không 'sống sót' ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Washington đề nghị bán máy bay chiến đấu không người lái Grey Eagle cho Kiev, nhưng các phi công quân sự của Ukraine lại bày tỏ mong muốn được nhận máy bay F-15 và F-16 với lý do các phương tiện này có thể đối phó hiệu quả với hệ thống phòng không Nga.

Các sĩ quan Mỹ đã nghỉ hưu và các chuyên gia như Max Boot nhiệt tình ủng hộ việc bán Grey Eagle cho Ukraine, gọi loại máy bay này là vũ khí giúp “thay đổi cuộc chơi”. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã tạm dừng kế hoạch gửi 4 máy bay không người lái Grey Eagle tới Kiev, Reuters tiết lộ hồi tuần trước, do lo ngại chúng có thể rơi vào tay Nga.

Trong khi Grey Eagle là vũ khí đáng mơ ước đối với các tướng lĩnh Ukraine, thì theo Foreign Policy, các phi công lại thích máy bay ném bom – chiến đấu của Mỹ hơn.

Ukraine “không phải Afghanistan”, và những chiếc máy bay không người lái đắt tiền sẽ dễ dàng bị bắn hạ, một phi công có biệt danh Moonfish nói.

“Chúng tôi không thích Grey Eagle. Sẽ rất nguy hiểm nếu sử dụng chiếc máy bay không người lái đắt tiền như vậy ở đây, vì hệ thống phòng không của Nga. Ở đây không phải Afghanistan.”

MQ-1C Grey Eagle là phiên bản mới nhất trong dòng máy bay không người lái tấn công của General Atomics. Dòng máy bay này được sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan, Iraq, Somalia, Yemen. Máy bay được trang bị tên lửa Hellfire, có tầm bắn khoảng 8km, thấp hơn so với máy bay không người lái cảm tử Switchblade hoặc Phoenix Ghost mà Mỹ đã gửi đến Ukraine.

“Nó có thể hữu ích ở tiền tuyến”, một phi công chiến đấu khác có biệt danh Juice cho biết. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Grey Eagle có thể sẽ không sống sót quá 1 hoặc 2 nhiệm vụ. Mỗi chiếc máy bay này có giá 10 triệu đô la.

Trước Grey Eagle, Ukraine đã sở hữu máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Bayraktar có giá khoảng 2 triệu đô la hoặc hơn.

Moonfish cho biết Bayraktar TB2 “rất hữu ích và quan trọng” trong những ngày đầu của cuộc xung đột, nhưng hiện nay đã trở nên “gần như vô dụng” khi quân đội Nga tăng cường hệ thống phòng không.

Các phi công nói với Foreign Policy rằng Ukraine hiện chỉ chủ yếu sử dụng Bayraktar trong “các nhiệm vụ tấn công hoặc chiến dịch đặc biệt hiếm hoi”. Trong khi đó, các phóng viên chiến trường Nga lại cho rằng lý do máy bay không người lái Ukraine hiếm khi xuất hiện là vì đã bị bắn hạ gần hết.

“Chúng tôi hiện có nhiều phi công hơn máy bay”, Moonfish nói, đồng thời đề nghị các phi công nên được đào tạo sử dụng các máy bay chiến đấu tiên tiến của Mỹ như F-15, F-16 – những loại máy bay có khả năng “sống sót” trước hệ thống phòng không S-400 Nga.

Cả hai loại máy bay đều được ra mắt vào những năm 1970. Chúng đã nhiều lần được nâng cấp kể từ đó, và các phiên bản mới nhất được các chuyên gia phương Tây cho là ngang ngửa với các máy bay Su-35 và MiG-35 của Nga, vượt trội hơn một chút so với các máy bay chiến đấu Su-27 và Mig-29 mà Ukraine sử dụng. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có ý định gửi các loại máy bay này đến Ukraine.

Theo RT
MỚI - NÓNG