Phẩy khuẩn tả có dấu hiệu biến đổi

Phẩy khuẩn tả có dấu hiệu biến đổi
TP - Tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng qua, TS Jean-Marc Olive- Trưởng đại diện của WHO tại VN cho biết, chủng gây ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại VN hiện nay giống chủng gây tiêu chảy cấp tại Ấn Độ, có tên là Eltor.

TS Anderson - chuyên gia Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ lo ngại nếu type sinh học Eltor thay đổi sẽ rất nguy hiểm bởi chủng mới sẽ lây lan nhanh hơn, rộng hơn và lưu truyền nhanh hơn.

Khi đã thay đổi thì khả năng năm nào cũng xảy ra dịch tiêu chảy cấp là rất có thể diễn ra.

Ông Yoshi Takeda – chuyên gia dịch tễ Nhật Bản cho rằng dịch tả tại Việt Nam xuất hiện từ tháng 11/2007, khi đó thời tiết lạnh là rất bất thường vì phẩy khuẩn tả xưa nay vốn “hợp” với thời tiết nóng, ẩm.

Ông Takeda cho hay không loại trừ phẩy khuẩn tả gây bệnh ở Việt Nam đã có biến đổi ít nhiều và thích nghi để trở thành chủng lưu hành tại Việt Nam.

Vi khuẩn Eltor không gây tình trạng bệnh quá nặng nhưng khả năng lây lan rất lớn. Ông Takeda không loại trừ khả năng phẩy khuẩn tả cổ điển có độc lực mạnh kết hợp với phẩy khuẩn tả Eltor dễ lay lan. Điều này đã từng xảy ra ở Ấn Độ.

Một điểm khác biệt giữa phẩy khuẩn tả hiện đang lưu hành tại Việt Nam so với các nước khác là chúng thích nghi với không khí lạnh, nhiệt độ thấp ở miền Bắc và mạnh hơn khi thời tiết chuyển sang nóng, ẩm ướt do mưa (đây là điều kiện thuận lợi cho phẩy khuẩn tả phát triển).

Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang nghiên cứu xem có sự biến đổi không, chủng gây tiêu chảy cấp nguy hiểm đang lưu hành có giống chủng đã gây ra dịch tiêu chảy cấp trước đây không, đồng thời so sánh với chủng gây tiêu chảy ở các nước khác.

TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết sớm nhất một tháng nữa sẽ có kết quả.

Theo ước tính, cứ một người mắc tiêu chảy cấp thì có từ 30 đến 40 người lành mang phẩy khuẩn tả. Với những người thân tiếp xúc với người bệnh, thì khả năng nghi ngờ mắc bệnh tiêu chảy cấp là 75%. Phẩy khuẩn tả có thể sống trong người lành từ 30 đến 45 ngày.

Trong môi trường thuận lợi, nhất là mùa mưa đang tới, thì mỗi người lành mang phẩy khuẩn tả đều có nguy cơ phát bệnh, tạo ra nguy cơ dịch tái phát, khó kiểm soát.

Tuy nhiên, ông Huy Nga cũng khuyến cáo không nên sử dụng kháng sinh dự phòng bừa bãi. Thuốc chỉ nên dùng với người đã có bệnh, theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng kháng thuốc.

Với những người nhà bệnh nhân, là những người có nguy cơ cao, có thể điều trị một liều kháng sinh dự phòng trong vòng ba ngày. Hiện nay, kháng sinh đang bán rộng rãi trên thị trường chỉ có tác dụng trong vòng 14 ngày.

Theo TS Trịnh Quân Huấn dịch vẫn diễn biến rất phức tạp dù nó đã kéo dài hơn một tháng. Do đó, trong thời gian tới, công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sẽ quyết liệt hơn, việc đóng cửa các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng sẽ trở thành thường xuyên mới có thể khống chế được dịch bệnh nguy hiểm này.

Phẩy khuẩn tả có thể tồn tại hai hoặc ba ngày trong hành tỏi, năm ngày trong cơm và trứng chín, hàng tuần trong các loại trai, sò. Sữa, nước đá thường được trữ lạnh, trong môi trường này, khuẩn tả được bảo tồn nên có thể tồn tại hàng tuần, hàng tháng.

Năm cách chính để bảo đảm an toàn thực phẩm là: Rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; bảo quản thức ăn sống và thức ăn chín riêng để tránh ô nhiễm chéo; nấu chín thức ăn tới trên 70oC để diệt vi khuẩn, sử dụng nước sạch rửa thức ăn, rau quả.

MỚI - NÓNG