Phẫu thuật giảm béo ảnh hưởng đến xương

TPO - Một nghiên cứu mới đây cho thấy, những người sau khi phẫu thuật giảm béo có biểu hiện giảm mật độ xương (nguyên nhân gây loãng xương). Và càng giảm cân, nguy cơ loãng xương càng cao…
Một ca phẫu thuật chống béo phì. Ảnh: www.khoahoc.com.vn.

Các chuyên gia đã phân tích trong bản nghiên cứu: “Trong khi hậu quả của bệnh loãng xương trong tương lai còn chưa rõ ràng, thì ngay từ bây giờ, các bệnh nhân phẫu thuật giảm béo cần phải đề phòng nguy cơ thiếu dinh dưỡng và xương suy yếu trước và sau khi tiến hành phẫu thuật”.

Bác sĩ Shonni J. Silverberg và đồng nghiệp đến từ ĐH Phẫu thuật và Bác sĩ Giải phẫu Columbia tại New York (Mỹ) giải thích sau khi phẫu thuật, chỉ có một phần ruột rất nhỏ có thể hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn. Như vậy, phẫu thuật giảm béo đã làm ngăn cản cơ thể trao đổi các chất khoáng, dẫn đến suy yếu xương.

Họ đã tiến hành nghiên cứu với 23 phụ nữ và nam giới bằng phương pháp phẫu thuật thắt dạ dày kiểu Roux-en-Y. Đây là kỹ thuật phân đôi hoàn toàn dạ dày bằng cách tạo một túi nhỏ bằng một ngăn của bao tử và cột vào ruột non, một trong những phương pháp phẫu thuật giảm cân phổ biến.

Trước ca phẫu thuật, các bệnh nhân có mức Vitamin D trong máu thấp hơn so với tiêu chuẩn, mặc dù lượng dinh dưỡng hấp thụ khá cao.

Sau phẫu thuật, họ hấp thụ canxi gấp 2 lần và tiêu thụ vitamin D hơn 2,6 lần, nhưng mức Vitamin D trong máu vẫn còn thấp, và mức canxi trong máu thì giảm khá rõ rệt.

Dấu hiệu về sự thiếu hụt canxi kéo dài khoảng 3 tháng sau khi phẫu thuật. Tập trung vào hooc môn tuyến cận giáp là nơi giải phóng canxi có trong xương, hormon này tăng lên sau khi phẫu thuật giảm béo, làm mất đi 1 lượng lớn canxi trong xương.

Trong vòng 1 năm sau phẫu thuật, cơ thể giảm trung bình 45kg trọng lượng. Đồng thời mật độ xương đùi trên giảm 9,2% và ở hông là 8%. Nhưng phần lớn không thấy dấu hiệu giảm mật độ xương ở cẳng tay.

Mật độ xương bị thiếu hụt có liên hệ chặt chẽ với trọng lượng giảm của cơ thể, đó là điều mà bác sĩ Silverberg và các cộng sự kết luận được. Bởi vì lúc đó xương không còn phải chịu một trọng lượng cơ thể lớn nữa, trong khi chịu lực lại là chìa khóa quan trọng để hình thành và duy trì xương chắc khỏe. Ngoài ra, việc tiết nhiều hooc môn tuyến cận giáp cũng là một tác nhân gây suy yếu xương.

Than Hoa
Theo Reuters
www.vietlinkmedia.com