Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau gần 12 năm, Luật BV&PTR đã tạo được chuyển biến quan trọng trong phát triển lâm nghiệp. Theo đó, Luật đã đưa lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia; từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, nuôi dưỡng, gây trồng phát triển rừng, phân cấp quản lý nhà nước về lâm nghiệp.
Cũng nhờ đó, đã quy hoạch ổn định lâm phận quốc gia với trên 16,2 triệu ha diện tích đất cho lâm nghiệp (trong đó rừng đặc dụng 2,2 triệu ha, rừng phòng hộ trên 5,55 triệu ha, rừng sản xuất gần 8,5 triệu ha). Thúc đẩy, tạo cơ chế, chính sách phát triển nhanh chóng diện tích rừng từ 12,3 triệu ha năm 2004 lên 14 triệu ha vào năm 2015; tương ứng độ che phủ của rừng toàn quốc từ 37% lên 40,84%.
Quyền và trách nhiệm của chủ rừng được luật hóa, Nhà nước bảo đảm thực hiện, bước đầu tạo cho chủ rừng gắn bó, yên tâm đầu tư bảo vệ rừng, phát triển sản xuất, kinh doanh, sử dụng có hiệu quả rừng và đất lâm nghiệp...
Tuy nhiên, từ khi Luật ra đời đến nay, đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Hơn 10 năm qua, nhiều chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đã thay đổi, để thích ứng với điều kiện kinh tế mở của đất nước. Hiến pháp năm 2013 của Quốc hội có nhiều chế định mới, trong đó có nhiều thay đổi chế định quyền sở hữu về rừng, mở cơ chế quản lý, đầu tư vào lâm nghiệp.
Cùng đó, các quy định pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Chương trình suy thoái chống mất rừng toàn cầu, chưa được cập nhật; vấn đề biến đổi khí hậu, gắn với phát triển rừng bền vững; thay đổi của thị trường quản lý nguồn cung gỗ hợp pháp...
Đặc biệt, Luật BV&PTR chỉ chú trọng vào việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng gỗ, chưa chú ý tổ chức sản xuất, chế biến, theo chuỗi, thị trường, giá trị dịch vụ môi trường rừng. Trong khi những giá trị dịch vụ này có thể cao hơn nhiều so với giá trị mà gỗ mang lại, như thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm tương đương 22% tổng đầu tư xã hội vào ngành lâm nghiệp.
Phát triển hiện đại, bền vững
Tại Hội thảo Quốc gia về dự thảo Luật BV&PTR mới đây, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, khi Luật hiện hành không còn phù hợp, thì nên mạnh dạn đổi tên, làm sao bao quát được nội hàm nội dung của luật. Do vậy, việc sửa đổi tên luật là Luật Lâm nghiệp, là phù hợp.
Theo ông Hoàng, trong Luật cần quan tâm đến chủ thể rừng. Hiện chủ thể rừng rất khác nhau, quá trình giao đất, giao rừng của các công ty lâm nghiệp trước đây lại giao khoán cho hộ dân nhưng không loại trừ nhiều nơi việc giao khoán không rõ ràng nên hiệu quả chưa cao, đời sống của người dân được giao đất giao rừng còn khó khăn.
Cần tính toán chủ thể, người được giao đất giao rừng có thể làm giàu trên mảnh đất này. Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng cần tiếp tục quy hoạch và phát triển theo kế hoạch nên sắp tới cần tính toán định giá trong môi trường rừng.
“Nếu trồng rừng, phát triển môi trường rừng và tính được giá rừng cho hộ dân thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cũng sẽ đem lại hiệu quả rất lớn. Như vậy, sẽ thêm cơ hội cho bà con làm giàu từ rừng”- ông Hoàng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, dự thảo Luật sửa đổi lần này đẩy nhanh, sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp. Tạo khung chính sách để thu hút các nguồn lực để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của chủ rừng và người làm nghề rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng tăng vào nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái và thị trường lâm sản”- ông Tuấn nói.
Một trong những nội dung được quan tâm trong dự thảo lần này chính là giao rừng cho cộng đồng dân cư và vấn đề sở hữu rừng. Theo ông Tuấn, việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, đã được đề cập trong Luật BVT&PTR hiện hành, tuy nhiên, quy định đó chưa thực sự hiệu quả, nhất là về quyền năng, chế độ pháp lý với cộng đồng, nên trên thực tiễn, chưa khả thi.
“Trong dự thảo Luật lần này, đặt vấn đề giao đất rừng, cho cộng đồng, nghĩa là cộng đồng ở đây là một chủ thể của Luật. Đây là chế định pháp lý rất quan trọng, họ không còn là đơn vị nhận khoán nữa”- ông Tuấn nói.
Mặt khác, cộng đồng lần này, trên cơ sở phải gắn với phong tục tập quán, qua hương ước, quy ước phù hợp với pháp luật, thì được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Luật sửa đổi BV&PTR mới sẽ tập trung hướng ngành Lâm nghiệp phát triển theo chuỗi bền vững, từ khâu trồng rừng, chế biến gỗ, lâm sản và phát triển thị trường.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nên mở rộng biên cộng đồng dân cư từ thôn bản thành xã phường: “Chúng ta tồn tại đến hôm nay đều nhờ cộng đồng. Việc giao rừng cho cộng đồng thậm chí còn tốt hơn là giao cho chính quyền địa phương. Tất nhiên là cộng đồng ấy phải thuần túy và có quyền chủ rừng”.
Về vấn đề sở hữu rừng, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, việc sửa đổi lần này sẽ có bổ sung một mục quy định về sở hữu rừng dựa trên Hiến pháp 2013. Từ tư tưởng đó sẽ thể hiện trên toàn bộ hệ thống luật như phải điều chỉnh quyền và trách nhiệm của chủ rừng.
Chẳng hạn, đối với rừng trồng, người sở hữu rừng sẽ có đủ 3 quyền: định đoạt, sử dụng, chiếm hữu. Trước đây, dù rừng của mình nhưng khi khai thác chủ rừng vẫn phải xin phép chính quyền, sắp tới chủ rừng có toàn quyền sử dụng đất rừng và lâm sản miễn là nằm trong quy hoạch của địa phương.