Phát triển hàng không dân dụng: Hạ tầng là vấn đề nan giải!

Phát triển hàng không dân dụng: Hạ tầng là vấn đề nan giải!
TP - Tiếp thông tin trên Tiền phong về bài “Từ cuộc đua lập hãng hàng không mới”, tiến sĩ Đoàn Văn Quảng (Nguyên viện trưởng Viện Khoa học Hàng không) đã có bài “Phát triển hàng không dân dụng sẽ giúp bảo vệ lãnh hải rộng lớn của Tổ quốc” ngày 7/1.

Xung quanh vấn đề này,  trao đổi với PV Tiền phong, Cục phó Hàng không VN Lại Xuân Thanh, cho biết: Cục Hàng không VN dự tính sẽ kiến nghị với Chính phủ dừng cấp phép thành lập thêm hãng hàng không mới sau khi Phú Quốc Air ra đời.

Lý giải cho việc này, ông Thanh nói: Thị trường, nhân lực đảm bảo khai thác bay, cơ sở hạ tầng, hệ thống an ninh, an toàn bay...chưa đủ điều kiện đáp ứng để thành lập thêm hãng hàng không mới. 

Ông Lương Hoài Nam-Tổng GĐ Pacific Airlines (PA) cho biết: Hạ tầng hàng không trong tương lai là vấn đề nan giải và có nguy cơ hạn chế sự phát triển của các hãng hàng không. Với tốc độ hiện nay, thị trường hàng không tăng trưởng 40%/năm.

Về nhân lực hàng không, PA chỉ có 10 kỹ sư Việt Nam có thẩm quyền ký vào sổ bay, duy nhất một phi công Việt Nam. Một con số quá ít ỏi so với số kỹ sư Úc đang có mặt tại PA.

Ông Thanh thì tiết lộ: Cục đang xúc tiến hoàn thiện trường hàng không tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Cả nước hiện mới có 22 sân bay, trong đó 5 sân bay quốc tế, 17 sân bay nội địa. Đa số sân bay từ Huế trở vào là loại cũ, được cải tạo nâng cấp; sân bay Nội Bài được xây từ những năm 1960. Trong khi đó, năm 2007, Vietnam Airlines (VNA) đón hành khách thứ 8 triệu, các cảng càng không đón 20 triệu khách.

Theo Ban Quản lý Hàng không, sân bay (Cục Hàng không) cho biết: Từ năm 1997 đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch Phát triển cảng hàng không, sân bay dân dụng. Cho đến nay, Bộ GTVT đã nhiều lần trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến 2030.

Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đưa vào khai thác, sử dụng 26 cảng hàng không (10 cảng quốc tế, 16 cảng nội địa). Tổng vốn đầu tư dự kiến cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 khoảng 221.500 tỷ đồng; giai đoạn từ nay đến năm 2010 cần khoảng 38.500 tỷ đồng, từ năm 2011-2020 khoảng 183.000 tỷ đồng.

Trong đó, đầu tư phát triển đội tàu bay 117.000 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng hàng không là 88.500 tỷ đồng; quản lý bay 4.500 tỷ đồng và phát triển công nghiệp hàng không 11.000 tỷ đồng...

Các nguồn vốn chính là vốn ngân sách nhà nước, ODA của Nhà nước vay cấp lại, ODA do doanh nghiệp vay, vốn doanh nghiệp, liên doanh liên kết, BOT, trái phiếu...

Được biết, Cục Hàng không VN khi báo cáo Chính phủ chính sách phát triển hàng không từ nay đến 2010, đã kiến nghị chỉ thành lập mới ở mức 2 - 3 hãng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.