Phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội: Thông chỗ này tắc chỗ kia

Ùn tắc như nêm tại nút giao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (điểm lên xuống đường Vành đai 2 trên cao) sáng 9/11Ảnh: A.Trọng
Ùn tắc như nêm tại nút giao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (điểm lên xuống đường Vành đai 2 trên cao) sáng 9/11Ảnh: A.Trọng
TP - Sáng 9/11 đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở được thông xe, xóa điểm đen ùn tắc nhiều năm nay tại đường Trường Chinh. Tuy nhiên, khi tuyến đường này thông suốt thì đầu 2 nút giao lại ùn tắc. 

Công trình nghìn tỷ “chui đầu” vào chỗ tắc

Với mục tiêu giải quyết ùn tắc và hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2, tháng 4/2018, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận để khởi công tuyến đường trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (dài khoảng 5 km) và kết hợp với mở rộng mặt đường dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 9.500 tỷ đồng. Do thành phố Hà Nội không bố trí được nguồn vốn nên đã chấp thuận cho doanh nghiệp triển khai dự án bằng hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Sau hơn 2 năm thi công, sáng 9/11, dự án thông xe đoạn đường trên cao đầu tiên từ Ngã Tư Vọng đi Ngã Tư Sở (cuối tuyến), dài 2,5 km.

Ghi nhận giao thông sau khi tuyến đường trên cao Vành đai 2 được thông xe sáng 9/11, PV Tin Phong thấy rằng, do lượng lớn ô tô được lưu thông ở đường trên cao nên cảnh tượng phương tiện đặc kín, chen chúc ở đường Trường Chinh bên dưới vào khung giờ cao điểm đã không còn. Tuy nhiên, tại phía 2 đầu đường ở nút giao Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở, ùn tắc như nêm, kéo dài cả trăm mét.

Trung tá Chu Văn Sỹ, Đội phó Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Hà Nội, làm nhiệm vụ trên đường Trường Chinh sáng qua, cho biết, do lượng ô tô lưu thông ở đường trên cao không bị điều tiết bởi các nút đèn giao thông nên đổ về nút Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng nhanh, gây ùn ứ cho 2 nút này. Theo ông Sỹ, tuyến đường Vành đai 2 trên cao sẽ tránh được ùn tắc tại nút Ngã Tư Sở nếu đường trên cao vượt nút và có điểm lên xuống tại đường Láng. Như hiện nay là điểm lên xuống nằm trên đường Trường Chinh và tiếp cận trực tiếp với nút giao thông nhạy cảm nhất, nhì Hà Nội (Ngã Tư Sở).

Có mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, theo quy hoạch đã được lập 20 năm trước, khi chạy qua nút giao Mai Dịch, đường trên cao Vành đai 3 sẽ đi vượt trên cao, tuy nhiên, do vướng cây cầu vượt được thành phố Hà Nội xây dựng cách đây hơn 10 năm nên vừa qua đường trên cao Vành đai 3 tại đây đã phải tiếp đất, tránh cầu vượt, sau đó mới đi trên cao tiếp. Việc dự án vừa thi công không đúng thiết kế, lại phải tiếp đất vào đúng nút giao ùn tắc đã làm giảm hiệu quả sử dụng, đầu tư và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Tương tự với dự án cầu vượt Nguyễn Chánh (vượt đường Trần Duy Hưng) đưa vào sử dụng được vài năm. Tại nút giao thông Nguyễn Chánh - Tú Mỡ (cách điểm lên xuống cầu vượt phía Nam Trung Yên), phương tiện vốn đi lại nhịp nhàng theo vòng xuyến thì gần 1 tháng trước, vòng xuyến tại đây bị bỏ đi, thay vào đó là hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Vậy là từ khi đèn tín hiệu được đầu tư tại đây, phương tiện từ cầu xuống phải dừng lại chờ đèn đỏ, dẫn đến ùn tắc kéo dài.

Thiếu đồng bộ, kết nối

Ngoài các công trình trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến tháng 10, Sở đã hoàn thành 148/214 dự án phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. “Đây là những dự án được triển khai theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020. Trong đó, có nhiều công trình quan trọng như: Đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Cổ Linh; cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân; cầu vượt An Dương - Đường Thanh Niên; hoàn thiện kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5 và Vành đai 3...”, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin. Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ giờ đến cuối năm, đơn vị sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đấu thầu đối với 68 công trình, dự án cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp và các dự án thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trong năm 2020.

Về việc triển khai một số dự án hạ tầng giao thông tại Hà Nội hiện nay, PGS. TS Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, cho rằng, đang tồn tại nhiều bất cập trong việc thực hiện và triển khai quy hoạch hạ tầng giao thông. Theo ông Tâm, các vấn đề này cần sớm được giải quyết, nhất là tình trạng công trình đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng thông xe là điểm kết nối chui vào điểm ùn tắc.

Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và giải quyết ùn tắc hiệu quả, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 nêu rõ, ngoài đầu tư, xây dựng các công trình trong nội đô, đơn vị thực hiện phải triển khai song song các công trình ở ngoại thành trong đó có các tuyến đường vành đai, đường liên kết vùng, liên kết các địa phương. Việc này là để tạo kết nối, phân luồng phương tiện từ xa. “Tuy nhiên, trong hơn 100 công trình Sở GTVT vừa hoàn thành, chủ yếu chỉ tập trung nhiều tại các quận nội thành. Nếu Hà Nội triển khai các tuyến đường Vành đai 3,5; Vành đai 4 đúng quy hoạch, thì đến nay, phương tiện đi qua Hà Nội từ hướng Hà Nam đi Hòa Bình, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh… và ngược lại sẽ không đi vào đường Vành đai 3 (nội thành) như hiện nay”, đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội nói.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, Bộ GTVT, cho rằng, sau gần 10 năm khai thác, lượng phương tiện trên một số tuyến đường đường vành đai, trong đó có Vành đai 3 trên cao, dưới thấp đã tăng nhiều so với trước. Trong quá trình quản lý và thực hiện quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền ở Hà Nội phải luôn có giải pháp cho việc này, cùng với phương án tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, cơ quan quản lý phải thực hiện các dự án kết nối, san tải có các tuyến đường nội đô. “Tuy nhiên, tuyến đường Vành đai 3 trên cao đã xây dựng và đi vào khai thác 10 năm nhưng đến nay các tuyến đường vệ tinh như Vành đai 3,5; Vành đai 4 dù Chính phủ đã cho chủ trương nhưng đến nay thành phố Hà Nội vẫn chưa khởi công”, ông Bình nói.

MỚI - NÓNG