Phát sốt với chi tiêu công tăng vọt

Tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng chi tiêu công vẫn tăng từng năm. Ảnh: Như Ý.
Tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng chi tiêu công vẫn tăng từng năm. Ảnh: Như Ý.
TP - Cả các chuyên gia và lãnh đạo Bộ Tài chính đều thẳng thắn nhìn nhận, chi tiêu ngân sách hiện nay đang “có vấn đề”, nếu không được cải thiện sẽ xuất hiện rủi ro trong tương lai gần. 

Chi thường xuyên vượt quá khả năng nguồn lực

Sáng 21/9, Bộ Tài chính cùng USAID (Mỹ) đã tổ chức “Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017” lần thứ nhất, để lắng nghe ý kiến các chuyên gia trong việc quản lý tài chính công.

GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Tài chính đánh giá, ngân sách nhà nước những năm gần đây bộc lộ quá nhiều vấn đề. Quy mô tăng ngân sách cao hơn tăng GDP, chi tăng cao hơn thu, bội chi tăng cao hơn thu chi ngân sách, nợ công tăng cao hơn. Cụ thể, năm 2016 so với năm 2001, GDP tăng chưa tới 1 lần, nhưng nợ công tăng hơn 1,6 lần. “Chúng ta nới lỏng chi tiêu công nhưng không tạo ra tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua. Tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng chi tiêu công vẫn tăng từng năm. Chi tiêu tăng nhưng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa nhiều cải thiện, phát triển hạ tầng vẫn chậm”, ông Nghiệp nói.

Ông Nghiệp phân tích, dù doanh nghiệp (DN) được miễn giảm thuế nhưng không bù đắp được chi phí họ phải bỏ ra cho các khoản không chính thức. Thậm chí, chi phí không chính thức ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn lên DN, khiến DN không còn tích luỹ để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất. “Nhà nước cứ miệt mài giảm thuế cho DN, nhưng những hoạt động, chi phí khác lại tăng, cản trở phát triển”, ông Nghiệp nói.

Ngoài ra, ngân sách tăng chi nhưng không phải tăng để đầu tư phát triển, mà chủ yếu chi thường xuyên. Trong chi thường xuyên, chi cho an sinh vượt quá khả năng nguồn lực đang có. Từ đó mục tiêu an sinh cũng không thực hiện tới nơi tới chốn, mục tiêu tăng trưởng cũng không đạt được. Trước đây, theo ông Nghiệp, vốn đầu tư có 50% từ nguồn ngân sách tiết kiệm được, số còn lại mới đi vay, nhưng nay hầu hết vốn đầu tư phải đi vay với lãi suất cao. Chưa kể, khi vốn từ kho bạc tới công trình cũng bị “mai một, rơi rớt” rất nhiều. Cùng đó, nguồn lực ngân sách đã ít lại sử dụng phân tán, dẫn tới hiệu quả càng thấp.

PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KH&ĐT) cảnh báo, với cách chi tiêu hiện nay, ngân sách đang đứng trước khả năng mất cân đối rất lớn. Theo ông Thắng, để có vốn đầu tư, đặc biệt các công trình trọng điểm, nhà nước đều phải đi vay, con cháu sau này phải trả. Trong khi đó, đầu tư công còn lãng phí lớn, ông Thắng dẫn chứng về các vụ án lớn vừa qua được đưa ra ánh sáng; các dự án công – tư, như BOT trong giao thông đã bộc lộ hàng loạt vấn đề, thậm chí phải trả giá rất đắt; một số địa phương nợ xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa tìm được nguồn trả… “Vấn đề rất nan giải”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Thắng, câu chuyện đầu tư ngân sách nằm ở vấn đề quản lý. Như hầu hết dự án BOT giao thông là chỉ định thầu. Việc giám sát dự án, suốt quá trình triển khai đều có kiểm tra, giám sát, nhưng không phát hiện gì bất thường. Nhưng khi có vấn đề xảy ra, kiểm tra lại phát hiện đầy vấn đề trước đó không thấy. “Kiểm tra quy trình đúng cả, nhưng lạ là kết quả làm ra không đúng quy định. Không biết mắt mũi kiểm tra thế nào”, ông Thắng nói.

Phải chặn đà tăng chi

Để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, đặc biệt trong đầu tư công, PGS.TS Bùi Tất Thắng đề nghị lập các hội đồng chuyên môn độc lập để đánh giá dự án. Cơ quan nhà nước dựa vào đánh giá của hội đồng chuyên môn để quyết định đầu tư hay không. Không để các công chức nhà nước ngồi vào hội đồng để bình xét các dự án do chính mình trình lên như hiện nay. “Chỉ khi nào làm được như vậy may ra mới cải thiện được tình hình đầu tư công, đảm bảo phát triển bền vững”, ông Thắng nói.

Còn nguyên Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp đề nghị chặn đà tăng chi (đặc biệt chi thường xuyên), không chạy theo tăng trưởng. Theo ông Nghiệp, nếu chạy theo tăng trưởng như hiện nay, chỉ 5-10 năm tới ngân sách sẽ không thể đáp ứng được, do tăng chi quá nhanh. Cùng với đó, nhà nước phải xem lại cơ chế phân cấp để tập trung nguồn lực. Với DN, theo ông Nghiệp, cùng với hỗ trợ bằng chính sách tài khóa (miễn, giảm thuế), phải có các chính sách khác đi kèm DN mới phát triển được.

Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong quản lý ngân sách nhà nước. Theo ông Tuấn, chi thường xuyên tăng nhanh do tăng chi cho giáo dục, y tế. Điều này, ông Tuấn thừa nhận là cần thiết, nhưng chúng ta đang có nghịch lý, dù tăng chi cho giáo dục nhưng chất lượng nguồn nhân lực tạo ra không tương xứng.
Về nợ công, theo ông Tuấn, hết năm 2017, nợ công bằng khoảng 62,8% GDP. Tuy nhiên, đây mới là nợ Chính phủ đi vay, chưa tính nợ xây dựng cơ bản, nợ bảo lãnh, nợ của khu vực DN nhà nước… Về đầu tư công, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận đang có vấn đề, khi nhà nước đang nắm chủ đạo về đầu tư công, nhưng hiệu quả đồng vốn quá thấp. Chưa kể tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, còn các dự án hợp tác công – tư đang để lại hậu quả, không tạo được tiền đề cho phát triển. Hiện tại đầu tư công bằng 8-10% GDP, cao nhất trong khu vực, nhưng hiệu quả có vấn đề.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nền tài chính công đang đối mặt nhiều thách thức, rủi ro. Như chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối, dẫn tới bội chi cao, tích lũy cho đầu tư phát triển thấp. Trong đó, tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao, còn chi đầu tư phát triển giảm. Nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, mục tiêu thu ngân sách tới năm 2020 là mở rộng nguồn thu, tăng thu nội địa, hạn chế lồng ghép chính sách an sinh vào chính sách thuế. Đồng thời, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ giảm chi thường xuyên, giảm biên chế; có chính sách hỗ trợ DN phát triển…

Tổng kết chiến lược khoáng sản dự kiến tốn 700 triệu đồng

Bộ TN&MT vừa có văn bản số 4614 gửi tới các bộ ngành liên quan thông báo về kế hoạch chuẩn bị cho hội nghị tổng kết chiến lược khoáng sản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trong đó, Bộ này xây dựng phương án sử dụng kinh phí tổ chức hội nghị lên tới 700 triệu đồng, từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của bộ. Kinh phí cho việc tổng hợp báo cáo 500 triệu đồng, tổ chức hội nghị hết 200 triệu đồng. 

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.