Phát hiện xác ướp 1.300 năm tuổi trong kén vải tại Siberia

Cái kén chứa xác ướp của một người lớn được phủ bằng các tấm đồng từ đầu đến chân tại Siberia. Ảnh: Alexander Gusev.
Cái kén chứa xác ướp của một người lớn được phủ bằng các tấm đồng từ đầu đến chân tại Siberia. Ảnh: Alexander Gusev.
Các nhà khoa học Nga phát hiện xác ướp trong kén vải của một người trưởng thành và hài nhi gần 6 tháng tuổi chôn vùi 1.300 năm tại Siberia.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực của Nga phát hiện một xác ướp niên đại 1.300 năm tuổi được bọc bằng đồng và lông thú trong khu nghĩa trang Zeleniy Yar ở Siberia, khu vực rìa Bắc Cực, Sun hôm 16/7 đưa tin. Nhiều khả năng đây là cư dân của một nền văn minh cổ đại, có mối liên hệ với Ba Tư. Ngay cạnh xác ướp này, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện hài cốt của một em bé.

"Hai xác ướp nằm cạnh nhau dọc theo hướng Bắc - Nam. Bàn chân của người chết quay về phía dòng sông Gorny Poluy gần đó. Bao phủ quanh xác ướp của người trưởng thành là các tấm đồng. Xác ướp của em bé, nhỏ hơn 6 tháng tuổi, nằm trong những mảnh vỡ nhỏ của một cái vạc đồng", Alexander Gusev, thành viên của nhóm nghiên cứu, nói.

Gusev cho biết, các thi thể nằm trong cái kén làm từ lớp vải dày và chất lỏng có nguồn gốc từ phương pháp chưng cất vỏ cây bulô. Thành phần hợp chất dùng để ướp xác sẽ được tiết lộ sau khi kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Theo Siberian Times, chiều dài kén bọc quanh xác ướp của người trưởng thành là 170 cm. Do đó, người nằm bên trong có thể cao khoảng 165 cm. Nhóm nghiên cứu sẽ đưa xác ướp này tới một phòng thí nghiệm ở Tyumen, Nga, để xác định chính xác giới tính và độ tuổi cũng như loại lông thú dùng để làm ấm người chết trên đường sang thế giới bên kia.

Khu phức hợp khảo cổ, nơi phát hiện hai xác ướp mới, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1997 khi Mỹ và Nga hợp tác thực hiện dự án "Living Yamal". Các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều hiện vật của người Ba Tư trong khu vực này.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG