Sau vài tuần khai quật, Bộ Văn hóa Peru hôm 16/8 công bố bức tranh phù điêu có niên đại cách ngày nay khoảng 3.800 năm tại địa điểm khảo cổ Vichama ở phía bắc thủ đô Lima của Peru. Bức tranh được xác định thuộc về nền văn minh cổ đại Caral, ra đời cách đây hơn 5.000 năm, AFP đưa tin.
Bức phù điêu được tìm thấy trên một bức tường bằng đất sét cao một mét và rộng 2,8 mét, hướng về phía cánh đồng trồng trọt ở thung lũng Huaura. Bức tranh gồm các hình mặt người, rắn và hạt giống được cho là thể hiện sự màu mỡ của đất đai ở nền văn minh Caral.
Theo chuyên gia khảo cổ học Ruth Shady, trưởng nhóm nghiên cứu, hình mặt người tượng trưng cho cư dân Caral, trong khi rắn đại diện cho các vị thần có liên quan đến nước giúp hạt giống có thể nảy mầm và phát triển.
Tuy nhiên, khu khảo cổ Vichama, nơi lưu giữ những dấu tích từ nền văn minh Caral ngày nay lại là một trong những vùng khô cằn nhất ở Peru. Phát hiện mới khiến nhiều chuyên gia tin rằng biến đổi khi hậu là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh được cho là lâu đời nhất ở châu Mỹ.