Phát hiện thêm nhật ký cảm động của một liệt sĩ tuổi 20

Phát hiện thêm nhật ký cảm động của một liệt sĩ tuổi 20
Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn chỉ có 4 trang được viết bằng văn xuôi, thơ lúc đang trong hầm chiến đấu tại mặt trận ác liệt phía Đông Thành cổ Quảng Trị. Còn toàn bộ là hơn 30 bài thơ đủ thể loại.

Vừa qua tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Kỳ Ngộ, năm nay 77 tuổi và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - 76 tuổi, tại tiểu khu 6 (phường Nam Lý, TP Đồng Hới, Quảng  Bình). Ông Ngộ lấy từ bàn thờ xuống, đưa cho tôi một cuốn sổ cỡ 15x20cm, có sơ mi bằng ni lông cứng, trong suốt, hai bìa trong thì đã úa vàng. Giấy viết trong cuốn sổ, cũng ở tình trạng như thế.

Ông bà Ngộ – Thanh cho tôi biết, đó là cuốn nhật ký của con trai mình, liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn. Ban chính sách Tỉnh Đội Quảng Bình chuyển cuốn nhật ký về gia đình cùng một số tư trang của liệt sĩ sau ngày báo tử tháng 5/1973.

Tôi thật xúc động khi giở xem vật kỷ niệm vô giá của một người lính đã anh dũng ngã xuống trong chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Qua cuốn nhật ký, tôi thấy được cụ thể hơn, phong phú hơn phong độ anh hùng của một anh hùng chưa thành danh.

Nhật ký của hạ sĩ, liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn với nét chữ đều đặn rắn rỏi, chân phương từ ngày nhập ngũ (14/9/1971) đến ngày 19/8/1972, trước ngày hy sinh một tuần, theo giấy báo tử (25/8/1972).

Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn chỉ có 4 trang được viết bằng văn xuôi, thơ lúc đang ở trong hầm chiến đấu tại mặt trận ác liệt phía Đông Thành cổ Quảng Trị. Còn toàn bộ là hơn 30 bài thơ đủ thể loại. Có trang được viết bằng tiếng Nga (có lẽ anh muốn để vốn ngoại ngữ của mình không bị gian khổ và đạn bom làm mai một nơi chiến trận).

Bài thơ nào, trang viết nào, anh cũng đề rõ viết ở đâu, ngày tháng năm viết, viết cho ai. Nhờ thế mà người đọc có thể hình dung được bước chân quân hành của anh, sự trưởng thành trong ý thức, tình cảm của anh, cả những phút trước lúc xông trận, hy sinh. Toàn bộ cuốn nhật ký đã toát lên một niềm say mê lý tưởng lớn của thời đại ta, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Nguyễn Kỳ Sơn là học sinh khóa II trường cấp III nay là trường THPT Đồng Hới. Tại hồ sơ lưu trữ của Sở GD-ĐT Quảng Bình ghi rõ anh tốt nghiệp THPT khóa 1967 - 1968 thuộc loại giỏi (Văn 5, Toán 5, Sử 5, Lý 4 – hệ điểm 5 bậc). Vì lý do đặc biệt, anh phải ở nhà một năm.

Khóa học 1969 – 1970, anh thi đỗ vào trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, phân khoa công trình. Theo nhà giáo ưu tú, GS TS Lê Kim Truyền - Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi - sau năm học thứ nhất, Nguyễn Kỳ Sơn là một trong những sinh viên được xếp loại ưu vì tất cả các môn thi chủ công, anh đều đạt điểm tối đa.

Chiến trường miền Nam vẫy gọi, anh đã cùng nhiều bạn bè xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Chỉ huy đơn vị cử anh đi học lớp cấp tốc để về đảm nhiệm công tác hậu cần của đơn vị, nhưng anh chối từ. Anh xin sung vào lực lượng chiến đấu để có thể cầm súng trực diện tiêu diệt kẻ thù.

Toàn bộ cuốn nhật ký của Nguyễn Kỳ Sơn tràn ngập tình cảm, trí tuệ, đạo đức mới của tuổi trẻ giàu lý tưởng cách mạng.

Anh viết cho người yêu: “Trước mắt anh, đường hành quân gian khổ/Hình bóng em sẽ mang mãi trong tim” (Bài Nhớ em). Trên đường vào Nam, gặp các em nhỏ tung tăng đến trường, anh viết bài Hành quân, trong đó có câu: “Chào tuổi nhỏ! Anh ra đi cho các em đó mai sau!”.

Ông Nguyễn Kỳ Ngộ nói với tôi, trên đường hành quân vào Nam, rất nhớ nhà, mặc dù đơn vị đi cách nhà không xa, nhưng Nguyễn Kỳ Sơn lúc này là tiểu đội trưởng không thể bỏ đội ngũ chạy về thăm bố mẹ, các em dù chỉ dăm ba phút. May gặp một người quen đi ngược chiều, anh xé một trang sổ tay viết vội mấy chữ gửi về báo tin và xin lỗi bố mẹ. Rồi sau đó anh ghi trong nhật ký bài Lá thư gửi ba, mẹ trong đó anh viết: Ngày mai sáng rực trời quê/Ba mẹ tin ở ngày về của con.

Lúc này anh chưa phải là đảng viên, nhưng anh viết bài Với Đảng: Trải bao gian khổ, lòng không nản/ Chỉ một hướng cờ Đảng tiến lên.

Trong bài Tuổi 18, viết tại miền Tây Quảng Trị đề ngày 30/6/1972, Nguyễn Kỳ Sơn đã viết: Mười tám tuổi chỉ biết xông lên/ Đời chiến đấu chỉ hướng nhìn trước mặt/Hát quân hành vang dội Trường Sơn.

Theo nhật ký, đầu tháng 8/1972 liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn đã có mặt tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Đây là những ngày ác liệt, đẫm máu nhất.  Giữa nơi đạn bom, chết chóc ấy, Nguyễn Kỳ Sơn viết: “13/8/1972: Bây giờ là 7h tối. Thế mà không dứt tiếng máy bay Mỹ, tiếng đại bác đì đùng.

Tiểu đội tôi 4 người, đã đào xong 3 hầm vòm. Bây giờ chỉ còn một mình tôi với ngọn đèn. Gió nhẹ đưa đẩy những bản hợp xướng của hàng trăm chú muỗi… và việc của tôi lại bắt đầu

Những khi thế này, việc lý thú nhất vẫn là việc bắt muỗi bằng ngọn đèn làm bằng hộp Côcacôla Mỹ. Những chú muỗi, gầy có, béo có, nhỏ có, to có lần lượt lao vào ngọn đèn đầy muội đen. A! Một OV 10 này. A! Một L9 này! Còn con này là B52. Con này bay nhanh quá nhỉ, cho nó là F4 vậy. Cứ thế, mỗi con là một tên tương xứng với không lực Hoa Kỳ, lần lượt lao qua ngọn đèn của tôi. Con gãy cánh, con đứt đuôi, thế mà không hết được tiếng vo ve, đúng là quân tham, cho mày chết!

Ngọn đèn của tôi có vẻ tự giác với các nhiệm vụ vinh quang của mình mà cần mẫn, vui vẻ mặc cho gió và nóng. Còn tôi, thì bao giờ cũng lấy cái này làm trò chơi giải trí và học tập”.

Tôi đến sững sờ, đọc đi đọc lại trang nhật ký của Nguyễn Kỳ Sơn viết tiếp 2 ngày sau đó. Trong hoàn cảnh ranh giới sống chết hết sức mong manh mà người lính này vẫn có cảm xúc dâng trào trước vẻ đẹp của thiên nhiên của thành cổ Quảng Trị: “15/8/1972: Dứt tiếng máy bay. Bầu trời hầu như đầy gió vút cao. Cả bốn phương lồng lộng cái gió của tháng 8, cái rực vàng của những tia nắng đầu những ngày mưa. Cây lá hình như được xanh hơn, thắm hơn vì được tắm một trận mưa đêm qua sau bao ngày hạn, hay vì muốn được khoe mình, muốn tranh thủ lớn lên một tý trong các giây phút thanh bình ngắn ngủi này. Không gian rộng rãi, cao vút của ta. Cả một màu xanh lan tràn, trùm lên tất cả.

Bầu trời ở đây có khác gì bầu trời ở quê ta. Bầu trời miền Bắc thanh bình, có chim, có bướm mà dưới khoảng màu xanh ấy là có ta, có tuổi trẻ, có ước mơ của ta. Cao lên cao càng ngắm  hình như bầu trời càng cao thêm nữa. Xa xa, một đàn chim giỡn bay. Trời của ta, trời của tự do, không bom đạn, không chết chóc. Chỉ có ta, có đàn chim, có gió mát, có nắng vàng và trùm lên tất cả là màu xanh hòa bình.

Ta yêu hòa bình, yêu màu xanh. Cho ta sống mãi với màu xanh này, màu xanh tương lai, màu xanh mà ta phải tranh đấu. Trong bom đạn tưởng chừng như không bao giờ dứt, một phút như thế này có ý nghĩa biết bao nhiêu. Ta càng quý cuộc sống đến bao nhiêu”.

Trang nhật ký của Nguyễn Kỳ Sơn đến đây thì có một dấu nhân, với  lời chú dưới trang: “Đang viết thì bị B52”. Sau đó, cùng trang, anh viết tiếp: “Gió, nắng, bầu trời cũng như được giãn ra, rộng thêm lên. Bầu trời của ta, màu xanh của ta. Cho ta sống mãi trong giây phút hạnh phúc này”.

Thầy giáo Lê Quang Truy, hiện đang nghỉ hưu tại Đông Hà (Quảng Trị), người trực tiếp giảng dạy môn văn cho Nguyễn Kỳ Sơn năm  lớp 10 (lớp 12 hiện nay) điện thoại cho tôi, nói rằng: “Nguyễn Kỳ Sơn toán giỏi đã đành, môn văn cũng vào loại xuất sắc”.

Có lẽ linh cảm được sự hy sinh của mình trong trận đánh sắp tới nên trang nhật ký cuối cùng của anh thấm đẫm lòng yêu lý tưởng cao quý nhất đến nao lòng của thời đại ta. Tôi cho rằng, đây là khúc tráng ca của một người anh hùng.

19/8/1972: Ngày mai tôi giáp trận. Ác liệt, đấy là một điều tất nhiên của chiến trận. Rất có thể, rồi đây tôi sẽ ngã xuống. Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu. Có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không sợ chết, không sợ hy sinh, gian khổ. Cái  chủ yếu là phải sống. Cuộc sống đẹp nhất là sống trong chiến trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn.

Hãy nghĩ như Paven Coocsaghin. “Cái quý nhất của người ta là đời sống. Cuộc đời chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa vì những dĩ vãng ty tiện và đớn hèn của mình để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp: Sự nghiệp giải phóng loài người”.

Hãy nói như Lê Mã Lương: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận chiến với quân thù”.

Sau những dòng ghi địa chỉ của bố, mẹ và dì, nhờ bạn bè tin hộ, nếu có ngã xuống, anh viết tiếp:

Là những người kháng chiến cũ, bố mẹ, dì tôi sẽ không lấy đó làm điều đau khổ đâu. Nếu sự thật xảy ra, mong các bạn bảo mẹ tôi rằng cho các em Kỳ Châu, Kỳ Tâm, Kỳ Nhân tiếp tục đi trả thù cho tôi. Cảm ơn các bạn”.

Sau ngày đất nước yên tiếng súng giặc, vợ chồng ông Kỳ Ngộ và bà Ngọc Thanh đã nhiều lần vào Quảng Trị, đến tất cả các nghĩa trang liệt sĩ để tìm mộ phần của con trai mình nhưng không thấy.

Gặp ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Trị, dò danh sách, ông bà được biết, con trai mình ngã xuống trong đêm 25/8/1972, trong trận chiến đấu ở khu vực xã Triệu Thanh (Triệu Phong). Đến xã Triệu Thanh, đồng chí Bí thư Đảng ủy, trước là Xã đội trưởng có tham gia trận đánh cho biết, trận chiến đêm 25/8/1972 diễn ra tại đây vô cùng ác liệt.

2 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 325C và Sư đoàn 320 của ta đã đánh giáp lá cà với lính dù Mỹ - ngụy. Phía ta hy sinh 67 chiến sĩ. Trong đó nhiều chiến sĩ không tìm thấy thi hài. Tốn rất nhiều công sức, đi qua các xã Triệu Long, Triệu Phong, Triệu Thạch, Triệu Độ, Triệu Thành, Bích La… của huyện Triệu Phong nhưng ông bà Kỳ Ngộ và Ngọc Thanh vẫn không tìm thấy nơi an nghỉ của con mình.

Chiến tranh đã cướp đi của chúng ta hàng triệu người con thông minh, quả cảm và trung thành với Tổ quốc. Nếu còn sống, từ mặt trận trở về rất có thể Nguyễn Kỳ Sơn sẽ là một kỹ sư thủy lợi, một nhà khoa học đa tài. Và, cũng rất có thể anh sẽ là một nhà văn, một nhà thơ tâm huyết.

Như Nguyễn Văn Thạc, chiến trường Thành cổ Quảng Trị là nơi thử vàng của lý tưởng cộng sản trong chàng trai sinh viên miền Bắc. Nhật ký của các anh để lại là những ánh sáng tinh thần vô giá trong sự nghiệp giáo dục lý tưởng, đạo đức và những tình cảm cao đẹp cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau. 

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.