Trong số 7 chất mới được đưa vào danh sách gây ung thư có 5 loại virus bao gồm: Virus suy giảm miễn dịch loại 1 (HIV-1), virus bạch cầu T loại 1 (HTLV-1), virus Epstein-Barr (EBV), virus herpes (KSHV) và virus polyoma tế bào Merkel (MCV). Theo báo cáo của Bộ Y tế Mỹ, 5 loại virus này liên quan đến 20 bệnh ung thư như ung thư da không hắc tố, ung thư mắt, ung thư phổi, ung thư dạ dày cùng nhiều loại ung thư hạch.
"Khoảng 12% ung thư ở con người là do virus và hiện chưa có văcxin cho 5 loại virus trên", CNN dẫn lời Linda Birnbaum, Giám đốc Viện Quốc gia về Khoa học Sức khỏe Môi trường. "Ví dụ HIV/AIDS tấn công hệ miễn dịch, làm mất đi khả năng chống lại ung thư của cơ thể. Nếu hệ miễn dịch suy yếu, bạn sẽ có nguy cơ cao bị ung thư".
Xuất hiện trong nhóm chất gây ung thư mới còn có Trichloroethylene hay còn gọi là TCE thường sử dụng trong công nghiệp để tạo ra hydrofluorocarbon. TCE phân hủy chậm, dễ dàng phát tán ra không khí, thấm qua đất và nhiễm vào nguồn nước uống. Ngoài ra, coban cùng các hợp chất coban vốn dùng làm hợp kim, thiết bị quân sự, pin cũng bị liệt vào danh sách nguy hiểm.
Tiếp xúc với virus, chất hóa học hay phóng xạ có thể gây ung thư không có nghĩa bạn chắc chắn sẽ bị ung thư. "Hầu hết mọi người đều biết thuốc lá dẫn đến ung thư phổi song chỉ 11% người hút thuốc mắc bệnh", Birnbaum nói. Bà giải thích nguy cơ bệnh tật còn phụ thuộc vào gen, lối sống, chế độ dinh dưỡng và độ tuổi tiếp xúc với yếu tố gây hại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận khói thuốc là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư phổi bởi người hút thuốc dễ chết vì ung thư phổi hơn 15-30 lần so với người không hút.
Để hạn chế tác hại từ 7 chất trên, các chuyên gia khuyến cáo cộng đồng quan hệ tình dục an toàn, không sử dụng chung kim tiêm, chủ động trao đổi với bác sĩ về phương pháp bảo vệ sức khỏe và đi khám định kỳ.