Phát hiện số lượng lớn khoá giả nhập vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng TP Hải Phòng vừa phát hiện số lượng lớn khoá cửa giả thương hiệu nổi tiếng rồi nhập về Việt Nam.

Cụ thể, theo tài liệu của cơ quan điều tra, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Suno Việt Nam (Công ty Sumo - Thanh xuân, Hà Nội), đã nhập khẩu các mặt hàng là khóa và phụ kiện với số lượng lớn, trong đó có các sản phẩm được gắn nhãn hiệu H.H của Công ty TNHH khóa H.H.

Sau khi phát hiện sự việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã gửi văn bản xác minh việc Công ty TNHH khóa H.H có cho phép Công ty CP ĐT XD và TM Suno Việt Nam sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trên hay không.

Phát hiện số lượng lớn khoá giả nhập vào Việt Nam ảnh 1

Số lượng lớn khoá giả bị phát hiện. Ảnh: N.L

Sau quá trình kiểm tra, rà soát, làm việc với cơ quan chức năng, đại diện Công ty TNHH khóa H.H khẳng định, không uỷ quyền cho Công ty Sumo nhập khẩu hoặc sản xuất bất kỳ nhãn hiệu, hoặc sản phẩm nào của H.H. Đại diện Công ty TNHH khóa H.H ước tính, Công ty Suno đã nhập khoảng 1.400 bộ khoá giả thương hiệu của nhãn hiệu H.H, trị giá tương đương hàng trăm triệu đồng.

Vụ việc đang được Công an TP Hải Phòng điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát hiện số lượng lớn khoá giả nhập vào Việt Nam ảnh 2

Khóa giả phát hiện tại Hà Nội.

Trước đó, sau khi lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp 2 doanh nghiệp là Cty TNHH Liên doanh HHT Việt Nhật (Hà Đông, Hà Nội) do Lê Thị Tâm (SN 1988, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm Giám đốc và Cơ sở kinh doanh Ngô Huy (Đông Anh, Hà Nội) do Lê Minh Tú (SN 1976, ở Đông Anh, Hà Nội) làm chủ kinh doanh phát hiện gần 40.000 sản phẩm khóa cửa và phụ kiện cửa giả.

Đáng nói, toàn bộ số hàng giả trên đều mang nhãn hiệu Kin Long của Cty TNHH Kin Long Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi điều tra, đại diện phía Cty Kin Long khẳng định, số sản phẩm trên không phải mặt hàng do Cty này nhập khẩu và phân phối trên thị trường. Tổng giá trị số hàng hóa giả khoảng 1,1 tỷ đồng và hiện đã được cơ quan công an lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng.

Luật sư Bùi Phan Anh (Công ty Luật Sen Vàng) cho hay, người sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị trên 30 triệu đồng có thể bị xử lý theo Điều 192 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 15 năm, tùy mức độ. Pháp nhân thương mại nếu phạm vào tội trên sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cấm hoạt động trong một lĩnh vực nhất định trong từ 1 đến 3 năm.

Nếu hành vi buôn bán hàng giả gây nguy hiểm tới tính mạng người khác, pháp nhân phạm tội sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn. Trường hợp buôn bán hàng giả qua biên giới, cá nhân phạm tội sẽ bị phạt tù từ 5-10 năm theo Khoản 2, Điều 192 còn pháp nhân bị phạt từ 3 đến 6 tỷ đồng. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề, đảm nhiệm chức vụ trong thời gian nhất định. Hàng giả có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ.

MỚI - NÓNG