Quảng Trị:

Phát hiện một nền văn hoá xưa qua những đồng tiền cổ

Phát hiện một nền văn hoá xưa qua những đồng tiền cổ
TP - Thạc sĩ Lê Đức Thọ-Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị cho biết trong vòng chục năm nay người dân tại địa phương ông đã phát hiện rất nhiều hũ tiền cổ ở những triều đại khác nhau trong khi đi cày ruộng, cuốc đất trồng khoai hay đào móng xây nhà, dựng trụ điện.

“Một đồng tiền cổ có thể nói nhiều thứ về lịch sử, mang trong đó biến cố của những vương triều, sự vinh nhục của biết bao dòng họ, thậm chí cả triết lý sống của một dân tộc.

Song trước hết tiền cổ là dấu ấn của sự phát triển kinh tế”- Ông Thọ giãi bày.

Ở Quảng Trị, tiền cổ đa phần được tìm thấy ở thôn Hà Tây, xã Triệu An (huyện Triệu Phong), xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh) và thôn Trâm Lý, xã Hải Quy (huyện Hải Lăng).

Những đồng tiền cổ này chủ yếu thuộc thời nhà Tiền Lê (980-1009), nhà Lý (1009-1225), nhà Trần (1226-1400)... với nhiều dạng khác nhau. Và cả những đồng tiền cổ của Trung Quốc nữa!

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, tiền cổ được phát hiện nhiều tại khu vực này đã minh chứng nền kinh tế trước đây ở mảnh đất này rất phát triển.

Phía Bắc Quảng Trị từ thế kỷ 17 đã có cảng Mai Xá Thị ở huyện Gio Linh, có sông Hiếu làm huyết mạch giao thông buôn bán thuận tiện với nhiều trục như chợ Vạn Tường, Ái Lao, Phiên Cam Lộ. Phía Nam có phố Hội, tức là Hội Phố (giống như phố cổ Hội An bây giờ) nằm ở thôn Hà Tây (xã Triệu An, Triệu Phong)-nơi có cảng biển Cửa Việt và nhiều nhánh sông ăn sâu vào nội địa.

Những thuyền buôn các nước vào đây theo đường biển chở theo nhiều tiền để mua sắm hàng hóa. Tiền cổ được đúc bằng đồng nên rất nặng, bởi vậy các thương lái dùng chum, hũ sành của những làng gốm nổi tiếng ở Quảng Trị như Phước Tích, Phước Lý, Sa Lung vào thế kỷ 15-17, rồi bỏ tiền vào đấy.

Điều ấy đã góp phần lý giải vì sao tiền cổ còn nằm lại rất nhiều ở vùng đất Quảng Trị, và qua những đồng tiền quý báu này giúp thế hệ đương đại phát hiện, nghiên cứu giá trị của một nền văn hóa  cổ xưa.

MỚI - NÓNG