Ngày 18/4, VQG Bidoup - Núi Bà cho biết, ba tạp chí quốc tế nổi tiếng về chuyên ngành thực vật học (Brittonia, Phytotaxa và International Camellia Society) vừa công bố 4 loài thực vật mới cho khoa học có xuất xứ từ VQG này.
Quả Trà my bidoup |
Đó là Trà hoa tí hon (Camellia flosculora Curry, V. S. Le, C. Q. Truong & V. D. Luong, sp.nov.), Trà my Bidoup (Camellia bidoupensis Truong, Luong & Tran, sp.nov.), Thu hải đường Hòn Giao (Begonia hongiaoensis C.W.Lin, T.C.Hsu&Luu,sp.nov.) và Thu hải đường Lâm Đồng (Begonia lamdongiana C.W.Lin, T.C.Hsu&Luu,sp. nov.).
Trà my nhỏ nhất thế giới |
Trà hoa tí hon là loài Trà my có kích thước hoa nhỏ nhất thế giới được ghi nhận tới thời điểm hiện tại; được thu mẫu lần đầu tại khu vực rừng lùn trên đỉnh núi Hòn Giao.
Đây là loài cây gỗ nhỏ đến trung bình, thường xanh, cao từ 3 - 8m, lá hình mác đến hình trứng thuôn dài và có lông; ra hoa vào các tháng 9 và 10, màu trắng, kích thước hoa từ 0,5 - 0,7cm.
Trà my Bidoup là cây thân gỗ nhỏ đến trung bình, thường xanh, cao từ 3 - 7m, vỏ cây màu nâu xám, lá hình tròn rộng hoặc hình elip, dài từ 8 - 12cm, rộng 3,5 - 5,5cm, dày; ra hoa cũng vào các tháng 9 và 10, màu trắng mỡ gà, đường kính từ 2 - 2,5cm.
Trà my Bidoup |
Thu hải đường Hòn Giao là cây thân thảo, cao 20 - 30cm, lá không xẻ thùy, không đối xứng, thuôn hình trứng đến trứng rộng, cuống lá dài; ra hoa vào các tháng 1 và 3 hàng năm, cánh hoa màu trắng đến hồng nhạt, bó nhị màu vàng hợp nhất tại đế hoa.
Loài Thu hải đường mới phát hiện ở Hòn Giao |
Thu hải đường Lâm Đồng cũng là cây thân thảo, cao hơn 10cm, nhiều lông; quả cứng, màu xanh lục nhạt đến màu hồng kem, hình tam giác, dài từ 5 - 10mm, rộng từ 4 - 8mm; lá và cuống lá nhỏ, màu xanh lục nhạt đến màu hồng sẫm, dài 8,5 - 25cm, dày 2,2 - 3,5mm, phiến lá không đối xứng, hình trứng đến mũi mác, dài 10 - 13,5cm, rộng 5,5 - 7,5cm, gốc lá hình tim rõ ràng hơn loài Thu hải đường Hòn Giao, mặt dưới lá màu bạc với nhiều lông; hoa đơn tính, cuống dài 12 - 23mm, màu trắng đến hồng, nở từ tháng 9 - 11 hàng năm.
Thu hải đường Lâm Đồng. Ảnh của tạp chí Phytotaxa |
Hai loài Thu hải đường trên là kết quả của dự án hợp tác “Khảo sát thực vật ở cao nguyên Langbiang, Việt Nam” giữa Trung tâm bảo tồn thực vật tiến sĩ Cecilia Koo (Đài Loan), Viện sinh thái học Miền Nam và VQG Bidoup - Núi Bà”.
Việc công bố thêm 4 loài mới cho khoa học một lần nữa khẳng định những giá trị đa dạng sinh học rất đặc biệt của VQG Bidoup - Núi Bà.