Cùng với những cánh đồng hoang phủ đầy hoa thạch thảo, các lâu đài thời Trung cổ và các khu di tích cổ đại, đảo Skye, Scotland giờ đây còn nổi tiếng bởi việc có thêm những dấu vết của loài khủng long thời tiền sử vào trong danh sách điểm đến của mình nhờ vào phát hiện mới đây của các nhà nghiên cứu.
Trên mục địa chất học của tờ Scottish Jourrnal, nhà nghiên cứu Stephen Brusatte và các đồng nghiệp của mình cho biết, 170 triệu năm trước, loài khủng long cổ dài có tên gọi Sauropods đã lang thang khắp các bờ biển phía Bắc của đảo Skye. (Scotland sau đó đã trở nên ấm hơn và được bao phủ bởi những vùng biển cạn, đầm phá, và các con sông lớn). Loài động vật to lớn với cân nặng từ 15-20 tấn, đã để lại dấu chân của chúng là hàng trăm hố lõm lớn trên vùng núi đá gần bờ biển Đại Tây Dương.
Các dấu chân được phát hiện bởi Brusatte và một đồng nghiệp chuyên săn hóa thạch, sau đó họ nhận ra rằng đó chính là dấu vết của loài quái vật khổng lồ thời tiền sử. Nhà khoa học người Mỹ cho biết cả hai đã quay lại nơi đó khi thủy triều xuống và đo được các dấu chân này có chiều rộng lên tới 0.7m.
Các dấu chân được tìm thấy ở nơi từng là một đầm phá, cho thấy loài Sauropods sống tốt trong môi trường nước. Theo National Geographic, phát hiện này phủ nhận ý tưởng rằng loài Sauropod chỉ sống được ở môi trường rừng rậm.
Ngoài ra, như báo cáo của tờ Guardian, những dấu chân là hiếm thấy từ thời kì giữa của kỷ Jura, khoảng thời gian không mang lại nhiều dấu vết hóa thạch cho các nhà nghiên cứu. Bằng việc lần theo dấu chân của loài Sauropods, các nhà nghiên cứu đã biết được thêm nhiều thông tin có giá trị về giống loài cổ đại và quá khứ của đảo Skye thời tiền sử.