Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ sử dụng máy quang phổ MUSE của Kính thiên văn Rất Lớn (VLT) phát hiện 19 chuẩn tinh có quầng hào quang bao quanh trong vũ trụ, theo UPI.
Chuẩn tinh là các hố đen phát ra nhiều vụ nổ phóng xạ mạnh từ đĩa bồi đắp của chúng. Đĩa bồi đắp là vòng tròn dày đặc khí và các mảnh vỡ bị hút vào bởi lực hấp dẫn của hố đen. Khi các vật liệu bị cô đặc, nó phát ra nguồn năng lượng lớn. Chuẩn tinh là những vật thể sáng nhất trong vũ trụ.
Các nghiên cứu trước đây cho biết chỉ 10% trong tổng số chuẩn tinh có quầng sáng bao quanh. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Astrophysical hôm 26/9, nhóm nghiên cứu của Thụy Sĩ công bố hình ảnh 19 chuẩn tinh có quầng sáng. Các quầng hào quang này nằm cách trung tâm hố đen khoảng 300.000 năm ánh sáng.
Đặc biệt, họ phát hiện lớp khí cấu thành 19 quầng sáng này có nhiệt độ chỉ 10.000 độ C, "lạnh" hơn rất nhiều so với ước tính hàng triệu độ C trong các mô hình nghiên cứu trước đây. Phát hiện mới này nhiều khả năng sẽ khiến các nhà thiên văn học phải xem xét lại mô hình mà họ tạo ra để nghiên cứu chuẩn tinh.
Nhóm nghiên cứu sử dụng kính thiên văn VLT và các thiết bị của nó đặt tại đài quan sát Paranal ở Chile để đưa ra kết quả ấn tượng này.
"Vẫn còn rất sớm để kết luận kết quả này là nhờ kỹ thuật quan sát mới của chúng tôi hay các chuẩn tinh trong thí nghiệm có điều gì đặc biệt. Vì thế, vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Chúng ta chỉ đang trong giai đoạn đầu của một kỷ nguyên khám phá mới", Elena Borisovam, đến từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm ra câu trả lời bằng chính công cụ họ đã sử dụng.
"Chúng tôi đã khai thác được khả năng đặc biệt của MUSE trong nghiên cứu này. Nó sẽ mở đường cho các cuộc khảo sát trong tương lai. Cùng với các lý thuyết và mô hình số thế hệ mới, phương pháp này sẽ cung cấp thêm thông tin về sự hình thành cấu trúc vũ trụ và sự phát triển của thiên hà", Sebastiano Cantalupo, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.