Phát hiện dân tộc cách ly nhân loại 100 ngàn năm
Sống tại Nam Phi, Khoisan là các bộ lạc thuộc dân tộc cổ xưa nhất trên hành tinh. Đây là kết luận của các nhà khoa học Thuỵ Điển, đăng trên Tạp chí Science.
Theo các nhà khoa học, người Khoisan bị cách ly khỏi cộng đồng chung của nhân loại 100 ngàn năm về trước, tức là vào thời điểm bắt đầu diễn ra cuộc di cư lớn của con người từ châu Phi sang các lục địa khác.
Hiện nay, ngôn ngữ Khoisan vẫn còn được những người đi săn thuộc tộc người Bushmen và những người du mục chăn nuôi gia súc thuộc bộ tộc Hottentots sử dụng.
Đó là những tộc người sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa Nam Phi và các quốc gia khác ở miền Nam châu Phi. Vì sao ngôn ngữ Khoisan khác hẳn thổ ngữ của các bộ lạc láng giềng? Điều này vẫn được coi là một trong những câu đố thú vị nhất của lịch sử loài người.
Nhóm các nhà di truyền học Thuỵ Điển do Karina Shlebush, Trường Đại học Upsala đứng đầu, đã đưa ra ánh sáng cách giải thích câu đố ấy bằng cách phân tích bộ gen của người Khoisan và mang so sánh với ADN của nhiều bộ lạc đang sống ở châu Phi cũng như người châu Phi sống trên các lục địa khác.
Theo các nhà nghiên cứu, chỉ bộ phận nhỏ người Khoisan bảo vệ được cội nguồn cổ xưa của mình, trong khi đó đa phần đã mất đi “tấm chứng minh thư di truyền” của họ.
Báo Khorotsie Novosti (Nga) đã đưa ra những thông tin chi tiết của công trình nghiên cứu.
Các nhà khoa học cho biết, ngay khi bổ sung dữ liệu phân tích ADN của các bộ lạc Hottentots và Bushmen vào tấm “bản đồ di truyền chung của nhân loại”, việc tìm kiếm quê hương của những người đầu tiên đã rời bỏ châu Phi để di cư sang châu Âu và Trung Đông trở nên vô cùng phức tạp.
Vì cấu tạo bộ gen của người Khoisan về cơ bản khác hẳn bộ gen của các dân tộc khác trên Trái đất, có thể kết luận một cách đáng tin cậy rằng, con người hiện đại có một số tổ tiên gốc gác từ các bộ lạc tiền sử khác nhau.
Theo Bảo Châu
VietNamNet