Phát hiện chuột cổ đại nặng... hàng tấn

Phát hiện chuột cổ đại nặng... hàng tấn
TPO - Nhóm các nhà khảo cổ sinh vật học ở thủ đô Montevideo (Uruguay) vừa tìm thấy hóa thạch một loài chuột cách đây 4 triệu năm. Theo các nhà nghiên cứu, loài chuột này nặng từ 468kg đến 2,5 tấn, trung bình nặng khoảng 1 tấn.

Đây là loài chuột lớn nhất từng tồn tại trên trái đất, dài khoảng 3 mét, cao 1,5 mét. Chiếc sọ có kích thước 53 cm, răng cửa rất dài nhưng răng hàm nhỏ cho thấy thức ăn của chúng là thực vật mềm, hoa quả và thuỷ sinh.

Theo nhà khảo cổ học Andres Rinderknecht- Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên và nhân chủng học quốc gia Uruguay và giáo sư Ernesto Blanco- Viện Vật lý Montevide thì hình dáng của loài chuột này khá giống hà mã.

Phát hiện chuột cổ đại nặng... hàng tấn ảnh 1
So sánh sọ chuột Josephoartigasia monesi và chuột thông thường

Loài chuột mới phát hiện này được đặt tên là Josephoartigasia monesi, theo tên nhà khảo cổ sinh vật học, một chuyên gia người Uruguay nghiên cứu bộ gặm nhấm.

Sự phát hiện này đã phá vỡ kỷ lục của loài chuột lớn nhất còn sinh sống trên trái đất là chuột ở Argentina, nặng khoảng 60 kg, và một loài chuột Phoberomys pattersoni đã được tìm thấy ở Venezuela năm 2003 nặng không quá 700 kg.

Việt Thuỵ
Theo Proceedings of the Royal Society

MỚI - NÓNG