Theo chuyên gia địa chất Steven Jacobson và cộng sự tại ĐH Northwestern ở TP Evanston, bang Illinois, biển nói trên nằm sâu khoảng 700 km, bên trong lớp đá xanh gọi là ringwoodite – lớp đá nóng giữa phần mặt và lõi trái đất.
Phát hiện này làm rõ thêm nguồn gốc của nước trên trái đất. Nhiều nhà địa chất cho rằng sự hiện hữu của nước là do các sao chổi va vào trái đất nhưng khám phá mới này củng cố giả thuyết khác cho rằng nước ở các đại dương phát xuất từ sự rò rỉ từ bên trong.
Khối nước khổng lồ bên trong cũng có thể đã đóng vai trò như tầng đệm cho các đại dương ở bề mặt và vẫn giữ cơ cấu tồn tại đó trong nhiều triệu năm qua.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 2.000 máy đo địa chấn để khảo sát sóng chấn động được tạo ra từ 500 trận động đất. Những sóng địa chấn này di chuyển bên trong trái đất, kể cả phần lõi và có thể được ghi nhận từ bề mặt.
Bằng cách đo vận tốc sóng địa chấn ở độ sâu khác nhau, các chuyên gia nhận ra được dạng đất đá nào sóng đã đi qua. Lớp nước được họ phát hiện do sóng đi chậm lại.
Cho đến nay, nhóm nghiên cứu chỉ có bằng chứng về lớp đá chứa nước bên dưới diện tích nước Mỹ và mong muốn được khảo sát trên toàn bề mặt hành tinh. Ông Jacobsen cũng lưu ý rằng trong điều kiện nhiệt độ và áp suất gần lõi trái đất nước nằm trong đá khối nhưng ở bề mặt, đá sẽ trở thành hạt cát.
Theo Trúc Lâm