Phát hiện biến đổi gene ở nạn nhân nhiễm chất độc hoá học

Phát hiện biến đổi gene ở nạn nhân nhiễm chất độc hoá học
TPO - Đây là thông thông tin được TS Lê Kế Sơn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu qủa chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam công bố sáng 16/3 tại Hà Nội.
Phát hiện biến đổi gene ở nạn nhân nhiễm chất độc hoá học ảnh 1

Các nhà khoa học Mỹ trao lá cờ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Thông tin được công bố tại Hội nghị khoa học quốc tế “Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - Những điều mong muốn”.,

TS Sơn dẫn chứng: Trong số 174.198 nạn nhân chất độc hoá học được các nhà khoa học nghiên cứu mới đây có 169.193 thuộc thế hệ con (F1), 5.505 người thuộc thế hệ cháu (F2). Điều đáng lo ngại hơn cả là các nhà khoa học đã phát hiện một số biến đổi gen ở những nạn nhân nói trên.

Các nhà khoa học đã ghi nhận những trường hợp thế hệ bố mẹ (F1), con (F2) không có biểu hiện bệnh tật nhưng đến thế hệ cháu (F3) lại xuất hiện.

“Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo ước tính, ở Việt Nam có ít nhất là 2,1 triệu người và nhiều nhất là 4,8 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp, hay gián tiếp những bệnh tật do chất độc da cam/dioxin gây ra. Vấn đề đặt ra đối với các nhà khoa học hiện nay là liệu khoảng 20 năm nữa chúng ta có phát hiện thêm dị tật bẩm sinh ở thế hệ F3?”- TS Sơn đặt câu hỏi.

Các nhà khoa học đều nhất trí việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam là một nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Chất độc hóa học không chi ảnh hưởng đến những nạn nhân hiện tại mà còn ảnh hưởng cả đến những thế hệ con cháu.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Susan Hammond, Phó chủ tịch Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) khẳng định: “Một sự thật là các nạn nhân da cam Việt Nam đã bị quên lãng quá lâu"

Bà Lê Thị Nhâm Tuyết, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED), đơn vị tổ chức Hội nghị, cho biết: “Hội nghị nhằm giúp dư luận hiểu rõ hơn những hậu quả dai dẳng trong đời sống mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa tâm lý của các nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam cũng như những nhu cầu, mong muốn của họ”- Bà Tuyết nói.

41 nhà khoa học đến từ 11 quốc gia, cùng hơn 100 nhà khoa học Việt Nam đã cung cấp những bằng chứng cho thấy tổn thất do chiến tranh hóa học gây ra vô cùng to lớn xét về nhiều phương diện.

Điều đáng nói là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một công trình nghiên cứu đủ lớn để xác định một cách toàn diện và chính xác tổn thất về kinh tế, xã hội, môi trường và con người do chất độc hóa học gây ra.

MỚI - NÓNG