Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngoài việc làm phát lộ rõ ràng, chính xác mặt nền và cấu trúc nguyên gốc của 3 tầng đàn tế hình tháp cụt chồng lên nhau gần như có hình tròn, đoàn khảo cổ còn phát hiện tại di tích núi Bân (TP Huế) một đoạn móng kè phía tây nam ở tầng dưới cùng, có khả năng là chân móng của một tầng đàn tế hình vuông.

Ngày 30/7, tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) tỉnh TT-Huế, cho biết, kết quả khai quật tại di tích núi Bân (TP Huế) - di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1988, đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở VHTT tổ chức báo cáo sơ bộ.

Núi Bân, còn có các tên gọi khác là Hòn Thiên (Thiêng), núi Ba Tầng, núi Ba Vành..., với chiều cao 43m, nằm ở phía Nam núi Ngự Bình, TP Huế.

Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung ảnh 1

Hố khảo cổ học tại di tích núi Bân - nơi được cho là đàn tế Nam Giao của Hoàng đế Quang Trung ở Huế

Cuối năm 1788, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tổ chức lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung tại đây, sau đó kéo quân ra Bắc đánh tan đội quân xâm lược của triều Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu.

Trong suốt gần 100 năm qua, di tích núi Bân đã được các chính quyền, các chế độ khác nhau xếp hạng và đưa vào diện cần bảo vệ.

Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung ảnh 2

Di tích núi Bân - nơi được xem là đàn Nam Giao của vương triều Tây Sơn

Năm Khải Định thứ 10 (1925), triều Nguyễn đã đưa ngọn núi này vào danh mục “An Nam cổ tích” cần được bảo tồn.

Năm 1976, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Bình Trị Thiên có Quyết định số 99 QĐ (19/5/1976) đưa “núi Ba Vành” vào “Danh sách các Di tích Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật và Danh thắng được liệt hạng để bảo vệ”.

Năm 1988, di tích núi Bân được công nhận là Di tích cấp Quốc gia và đến năm 2008 đã có một dự án chỉnh trang, tôn tạo di tích này cùng với việc xây dựng quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung với tổng diện tích hơn 25.000m2 ngay bên cạnh đó.

Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung ảnh 3
Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung ảnh 4

Việc khai quật khảo cổ học di tích núi Bân nhằm củng cố, xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đây là di tích cấp quốc gia đặc biệt

Việc triển khai công tác khai quật khảo cổ học di tích núi Bân nhằm mục đích bổ sung các căn cứ khoa học đáng tin cậy, từ đó xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đây là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Triển khai khảo cổ từ tháng 6/2022, trên diện tích khai quật hơn 100m2 thuộc di tích núi Bân - nơi được xem là đàn Nam Giao của vương triều Tây Sơn, đoàn khảo cổ học đã thu được những kết quả quan trọng.

Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung ảnh 5
Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung ảnh 6

Lần khai quật khảo cổ học này tổ chức trong phạm vi 100m2, thuộc di tích núi Bân

Quá trình khai quật, nhóm khảo cổ phát hiện ra các mảnh gạch vỡ và đá lẫn trong đất. Riêng khu vực phía tây phát hiện thêm những đoạn móng đá kè và vỉa gạch ở chân tầng 1 đàn tế. Đá được xác định là đá sa phiến dạng hòn, cục, có màu vàng nhạt, tím nhạt, xám xanh, xám trắng.

Gạch được phát hiện là dạng gạch bìa hình chữ nhật màu đỏ tươi, xương mịn, độ nung cao với chiều rộng 13-14cm, dày 2,5-4cm, dài 14-16cm, niên đại tập trung thế kỷ 18. Điều này cho thấy phản ánh rõ tính chất xây dựng gấp gáp của đàn Nam Giao thời Tây Sơn.

Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung ảnh 7
Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung ảnh 8

Lần khai quật này đã có những phát hiện quan trọng, đoàn khảo cổ đã phát hiện một đoạn móng kè phía tây nam ở tầng dưới cùng, có khả năng là chân móng của một tầng đàn tế hình vuông - dấu tích của đàn tế trời

Ngoài việc làm phát lộ rõ ràng chính xác mặt nền và cấu trúc nguyên gốc của 3 tầng đàn tế hình tháp cụt chồng lên nhau gần như có hình tròn, đoàn còn phát hiện một đoạn móng kè phía tây nam ở tầng dưới cùng, có khả năng là chân móng của một tầng đàn tế hình vuông.

Nếu giả thiết này chính xác, thì đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn là một đàn tế trời được quy hoạch, xây đắp khá bài bản (dù lợi dụng một ngọn núi tự nhiên sẵn có), có cấu trúc gần tương tự đàn Viên Khâu ở Thiên Đàn Bắc Kinh (đàn tế trời của hai triều Minh, Thanh ở Trung Quốc) với 1 tầng đàn vuông ở dưới và 3 tầng đàn tròn bên trên.

Phát hiện bất ngờ về dấu tích Đàn tế cáo trời đất của Hoàng đế Quang Trung ảnh 9
Bìa gạch thế kỷ 18 xuất lộ trong các hố khảo cổ học di tích núi Bân

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, UBND tỉnh TT-Huế nên tiếp tục tạo điều kiện để mở rộng công tác khai quật khảo cổ học, nhằm xác định chính xác cấu trúc, quy mô của đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn.

Giám đốc Sở VHTT TT-Huế Phan Thanh Hải cho biết, sẽ ưu tiên kế hoạch khảo cổ dài hạn cho di tích núi Bân. Không riêng việc khảo cổ lần này, khi nhắc đến triều đại Tây Sơn cần đầu tư nghiên cứu nhiều hơn nữa, trong đó, có rất nhiều nghi lễ quan trọng liên quan đến triều đại này như nghi lễ tế trời, lên ngôi, khải hoàn…

MỚI - NÓNG