Ngoài ra, một báo cáo nội bộ của cơ quan này cũng tiết lộ rằng 65 binh sỹ cũng đang bị điều tra vì cáo buộc có chung tư tưởng cực đoan với IS.
Nghị sỹ Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), ông Hans-Peter Bartels, người chịu trách nhiệm giám sát quân đội nước này cho biết hôm 12/4 rằng “Hồi giáo không phải vấn đề chính của quân đội Đức, tuy nhiên, nó đại diện cho một mối nguy mà chúng ta phải hết sức nghiêm túc nhìn nhận”.
Kể từ năm 2007, 22 binh sỹ của Quân đội Đức được xác định là theo đạo Hồi, trong đó 17 người đã bị sa thải, 5 người còn lại đã hết thời gian trong quân ngũ khi cuộc điều tra được tiến hành.
Theo hãng tin DPA, MAD điều tra tổng số 320 trường hợp kể từ năm 2007. Bộ Quốc phòng Đức muốn MAD tiếp tục mở rộng điều tra, đảm bảo các chiến binh thánh chiến không xâm nhập vào quân đội.
Hiện nay, chỉ có những binh sỹ thuộc những đơn vị đặc biệt nhạy cảm của quân đội mới bị kiểm tra kỹ càng nhân thân.
“Giống như những lực lượng chiến đấu khác, quân đội Đức hấp dẫn các chiến binh Hồi giáo muốn tiếp cận vũ khí. Nhưng theo hiểu biết của tôi, cho đến nay các tổ chức Hồi giáo cực đoan chưa xâm nhập được vào quân đội”, ông Bartels nói thêm.
Trong một diễn biến liên qua, hôm 10/4, ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp Đức, cho biết: "IS sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào nước Đức và lợi ích của Đức". Cũng theo ông Maassen, trong các tài liệu tuyên truyền của IS, các thành phố Đức được đặt cạnh Paris, London và Brussels, những nơi từng bị khủng bố quy mô lớn.
Ông Maassen cho rằng sân bay, nhà ga, cũng như các sự kiện công cộng quy mô lớn như lễ hội ngoài trời, thường dễ trở thành mục tiêu tấn công khủng bố nhất. Ngoài ra, ông nhấn mạnh “chúng tôi từng nhiều lần thấy công dân Đức trở về từ Syria có liên quan đến các âm mưu tấn công Đức”.
Hôm 10/4, truyền thông địa phương Đức cho biết, khoảng 800 công dân nước này đã tới Syria để chiến đấu cùng IS, khoảng 150 người trong số đó đã trở về nước năm 2015.