Phật đản Huế - lễ hội đẹp nhất trong năm

TP - Nhân lễ Phật đản, phóng viên trò chuyện với Tiến sĩ Thái Kim Lan, nguyên giảng viên triết học so sánh Đông - Tây tại Đại học L.M. Universitaet Muenchen, CHLB Đức.
Sắc màu Phật đản

> Nghi lễ tắm Phật tại Tây Thiên

Bà nghĩ gì khi được biết trung bình mỗi ngày có 25 lễ hội trên cả nước?

Người Đức có câu tục ngữ ý nhị: “Ít hơn sẽ nhiều hơn”. Có thể dựa theo đó để bàn về thực trạng này.

Hội chứng lễ hội đang nhiễm khắp nơi. Ở đâu cũng có thể tổ chức lễ hội, ngày hội. Kinh phí chi không ít nhưng khá nhiều lễ hội bị người dân thờ ơ. Cùng lắm là làm “quan sát viên”, chơi ké một chút khi rỗi rãi cho đỡ buồn..

Người dân ít được chơi. Muốn chơi phải chi tiền. Tiền chi ra nhiều mà chủ đích lễ hội vẫn nhằm phục vụ ban tổ chức là chính.

Sắc màu Phật đản .

Có phải bà đang nói đến những lễ hội qui mô nhỏ, chưa đạt các chuẩn mực văn hóa, tín ngưỡng?

Đúng vậy. Lễ hội chưa đi vào lòng người dân là do chưa đạt được một giá trị nhân văn nào đó.

Ở một số lễ hội hoành tráng, có bao gồm mục đích thu hút khách du lịch, cũng chưa xứng tầm. Rất ít lễ hội được đánh giá là sự kiện văn hóa tiêu biểu của từng vùng đất, từng thời điểm, cho nên không mời gọi được du khách. Nguồn thu từ du lịch không đủ chi phí cho tổ chức lễ hội. Lễ hội không đủ sức trở thành sự kiện du lịch nội địa, càng khó nói biến lễ hội thành điểm đến của khách quốc tế.

Tuy nhiên cũng có những lễ hội truyền thống giàu ý nghĩa nhân văn, diễn ra đồng thời ở nhiều nơi, như Phật đản chẳng hạn. Là ngày lễ có ý nghĩa rất lớn và đã ăn sâu trong tiềm thức số đông dân chúng, theo bà, nên chăng lễ Phật đản có thêm phần hội, những ngày hội lớn của cộng đồng lớn?

Cách đặt vấn đề của anh rất có thể bị cho là chủ quan và thiên vị. Nhưng từ trái tim, tôi nhìn lễ Phật đản ở Huế không phải bằng hai mà bằng sáu con mắt.

Đôi mắt này cân nhắc đôi mắt kia. Hai mắt của một người con Huế đã từng nằm trong nôi Phật đản Huế.

Hai mắt của một người đã xa Huế lâu năm, một người lạ, từ phương xa, đang tự hỏi nếu đến nơi đây thì có cái gì tiêu biểu chất Huế, chất Việt Nam để nhìn, để cảm nghiệm.

Và trên tất cả là hai con mắt của một người dân thường, muốn chia sẻ những gì chung quanh mình, nhất là chia sẻ niềm vui văn hóa, đắm chìm trong vẻ đẹp hoà bình, an lạc của nơi chốn mình đang sống.

Tôi có cơ duyên trải bốn mùa Phật đản ở Huế. Lần nào cũng ngạc nhiên và xúc động. Không phải vì sự lộng lẫy và tôn nghiêm của các ngôi chùa, mà ngạc nhiên và xúc động vì những con đường ở làng quê, những đêm trăng sáng trên sông Hương vào mùa Phật đản.

Tháng năm nắng say trên đường, hành nhân chợt mát trong màu xanh của núi sông cỏ cây, trong hương sen, hương sứ thơm lừng. Lồng đèn trái ú, lồng đèn hoa sen, cờ ngũ sắc quay tròn trong gió, những mặt người rạng rỡ nụ cười trong nhễ nhại mồ hôi trên đường đến chùa thật là thân thiện, ấm cúng.

Trời đất và con người Huế lúc này hầu như là một. Ngày lễ đến từ con tim nên lễ hội là của dân gian, chứ không riêng của một ngành nghề nào, tổ chức nào. Niềm vui đến từ dân gian là niềm vui vô bờ, có thể cảm hóa con người, lạ cũng bằng quen, buồn trở nên vui.

Người ta treo đèn khắp nơi vì thích sáng nhà, sáng cửa, sáng đường, sáng làng, sáng xóm, sáng đất trời, sáng non sông, cả mình và cả người.

Theo Báo giấy