> Công nghệ điện hạt nhân thế giới đến VN
Ông Bigot nói: Pháp có hơn 30 năm kinh nghiệm trong chính sách phát triển năng lượng hạt nhân, hiện 70% sản lượng điện của Pháp là điện hạt nhân.
Một dự án nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) cần sự cam kết lâu dài ít nhất 100 năm, trong đó có 7-10 năm thiết kế, xây dựng, 60 năm tuổi thọ của lò (thế hệ mới nhất) và khoảng 30 năm còn lại để tháo dỡ, dọn dẹp lò.
Giá điện hạt nhân tại Pháp rất ổn định và ở mức thấp nhất, với 90% giá thành là chi phí xây dựng, chỉ 10% là chi phí vận hành, bảo quản. Pháp sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam tất cả những kinh nghiệm tích luỹ được.
Tại châu Âu, sau sự cố Fukushima, Đức là nước tiên phong trong việc loại bỏ điện hạt nhân khi tuyên bố đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào năm 2020. Xin ông cho biết quan điểm của Chính phủ Pháp về vấn đề này?
Từ năm 1970, dự đoán trước năng lượng hóa thạch của Pháp sẽ cạn kiệt vào cuối TK 20, Pháp quyết định phát triển chương trình điện hạt nhân bằng việc xây dựng 58 NMĐHN.
Trên thực tế sau sự cố Fukushima, các nước có nhu cầu phát triển điện hạt nhân vẫn không thay đổi ý định, chỉ có yêu cầu nâng cấp mức độ an toàn hơn bao giờ hết.
Hiện Đức không còn tin tưởng vào khả năng an toàn điện hạt nhân của mình nữa nên họ sẽ đóng cửa các NMĐHN, và phát triển năng lượng tái tạo.
Thay vào đó Đức đã quyết định phải xây dựng thêm 20 nhà máy nhiệt điện chạy than để bù đắp vào lượng điện thiếu hụt. Nước nào chưa tin tưởng vào công nghệ an toàn điện hạt nhân, việc họ dừng lại là điều dễ hiểu và chính đáng.
Tại Nhật Bản sau sự cố Fukushima, chính phủ đã phải chịu rất nhiều áp lực trước làn sóng phản đối NMĐHN, xong cuối cùng vẫn quyết định xây thêm 3 NMĐHN mới.
Ý tôi muốn nói rằng, giữa mong muốn và thực tế vẫn có một khoảng cách rất xa. Với Pháp, năng lượng hạt nhân có ưu thế rất lớn nên chúng tôi không có lý do gì để loại bỏ nguồn năng lượng này.
Điều quan trọng là chúng tôi đã tăng cường các biện pháp an toàn để không phát tán phóng xạ ra khỏi khu vực nhà máy, ngay cả trong những tình huống cực đoan nhất. Thế hệ lò ATMEA mới nhất của chúng tôi đã đáp ứng mọi cam kết an toàn ở mức cao nhất.
Xin ông chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong vấn đề truyền thông tới dân chúng địa phương, nơi sẽ xây dựng NMĐHN để có được sự tin tưởng, ủng hộ của họ?
Tại Pháp, bất cứ công dân nào cũng đều được giải đáp mọi thắc mắc liên quan tới an toàn NMĐHN nếu họ có yêu cầu. Chúng tôi có một hệ thống gồm 3 loại cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này. Thứ nhất là Cơ quan An toàn hạt nhân quốc gia, nơi có trách nhiệm giải đáp mọi thông tin khi có vấn đề.
Thứ hai, ở cấp địa phương chúng tôi có Ủy ban thông tin về điện hạt nhân, bao gồm đại diện của chính quyền địa phương và đại diện của người dân trong khu vực. Mọi người dân đều có quyền đến gặp UB này vào bất cứ khi nào.
Thứ ba là Ủy ban cấp cao về minh bạch và An toàn hạt nhân, gồm đại diện của 5 thành phần, trong đó có NMĐHN và cả những người phản đối năng lượng hạt nhân.
Với hệ thống các cơ quan trên cùng với văn hóa an toàn điện hạt nhân, chúng tôi đã xây dựng được lòng tin của dân chúng Pháp vào năng lượng hạt nhân.
Xin cám ơn ông.
Ông Philippe Namy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn điện nguyên tử ATMEA, một liên doanh giữa Areva (Pháp) và Mitsubishi (Nhật) cho biết, nếu được chấp thuận, Pháp sẽ cung cấp cho dự án Ninh Thuận 2 (thông qua đối tác Nhật Bản) loại lò ATMEA1 (thế hệ 3+, có khả năng chống chọi với sự cố tương tự như ở Fukushima) có công suất 1.100 MW.
Việt Hùng
thực hiện