Pháp: Khi 2/3 thành viên Nội các muốn làm Thị trưởng 'nhảy dù'

Pháp: Khi 2/3 thành viên Nội các muốn làm Thị trưởng 'nhảy dù'
TP - Việc hàng loạt thành viên Chính phủ Pháp sắp ra tranh cử ghế Thị trưởng vấp phải chỉ trích của phe đối lập về hiện tượng chính trị gia “nhảy dù”.
Pháp: Khi 2/3 thành viên Nội các muốn làm Thị trưởng 'nhảy dù' ảnh 1
Các thành viên Nội các sẽ tranh cử ghế Thị trưởng vào tháng 3/2008

Tuy nhiên, có quan chức cho rằng, đây là cách đo sự tín nhiệm của cử tri và giúp gia tăng ảnh hưởng của Chính phủ.

Chiến dịch chạy đua trong các cuộc bầu cử chính quyền thành phố diễn ra vào tháng 3/2008 thậm chí chưa khởi động, nhưng đã có gần 2/3 trong tổng số 33 thành viên Nội các của Tổng thống Nicolas Sarkozy sẵn sàng đảm nhiệm thêm chức vụ khác như một chính trị gia làm việc bán thời gian. Các thành viên Nội các tuyên bố họ xứng đáng với ghế tân Thị trưởng hoặc Phó Thị trưởng.

Một số người như Bộ trưởng Giáo dục, hiện là Thị trưởng và đang chạy đua để tái đắc cử. Những người khác như Bộ trưởng Ngân sách, từng là Thị trưởng, nay muốn giành lại chức vụ này. “Đó là cách để Bộ trưởng giữ mối liên hệ với cơ sở. Làm như vậy tốt hơn là chỉ quan sát cuộc bầu cử”, Bộ trưởng Lao động Xavier Bertrand, người muốn trở thành Phó thị trưởng thành phố miền Tây Bắc St.Quentin, phát biểu.

Tại Pháp, quan chức Chính phủ được phép đảm nhiệm thêm chức vụ được cử tri bầu chọn qua bầu cử. Hiện tượng “thị trưởng - bộ trưởng” suýt bị loại trừ dưới triều đại của Tổng thống Jacques Chirac, người có thời điểm kiêm nhiệm cả chức Thủ tướng và Thị trưởng Paris. Tuy nhiên, hiện tượng này được tân Tổng thống Sarkozy làm sống lại nhằm tăng cường ảnh hưởng của Chính phủ.

Một số người chỉ trích hiện tượng “bộ trưởng - thị trưởng” là mất dân chủ, tạo ra sự xung đột lợi ích và mang màu sắc đầu cơ chính trị. Hiện tượng này còn dẫn tới việc thường xuyên vắng mặt Thị trưởng trong trụ sở chính quyền thành phố vì họ đang đảm nhận chức vụ phải làm việc đầy đủ thời gian trong Nội các.

Kế hoạch của Chính phủ ông Sarkozy vấp phải sự phản đối của đảng Xã hội đối lập. Ông Dominique Bertinotti, Thị trưởng thuộc đảng Xã hội, nói: “Bộ trưởng nên làm việc đầy đủ thời gian. Cử tri muốn tốt hơn so với kiểu chính trị nhảy dù này”.

Tiền hay danh tiếng?

Trong buổi thông báo chiến lược bầu cử vào tuần trước, Thủ tướng Francois Fillon đề cao hiện tượng “thị trưởng - bộ trưởng” như là xu thế chính trị hóa của các cuộc bầu cử địa phương.

Cũng theo ông Fillon, chạy đua ở cấp thành phố sẽ là cuộc trưng cầu dân ý đối với Chính phủ của ông Sarkozy. Thủ tướng Fillon giải thích thêm rằng, việc tham gia tranh cử địa phương cũng giúp đảng cầm quyền UPM kiểm soát các thành phố, thị xã mới.

Nhiều thành viên Nội các chứng minh rằng, không có xung đột quyền lợi vì trong hầu hết các trường hợp, Thị trưởng không đưa ra quyết định về vấn đề ngân sách…

Tổng thống Sarkozy sẽ không trực tiếp ra tranh cử chức vụ trong chính quyền thành phố, nhưng tuyên bố ủng hộ các thành viên Nội các muốn làm điều đó. Ông Sarkozy có kế hoạch vận động tranh cử tại Nice nhằm giúp ông Christian Estrosi, thành viên Nội các phụ trách vấn đề lãnh thổ hải ngoại, trở thành Thị trưởng.

Tại thủ đô Paris, Chính phủ của ông Sarkozy quyết định “cử” những nhân vật danh tiếng của đảng cầm quyền như Bộ trưởng Văn hóa Christine Albanel và Bộ trưởng Tài chính Christine Lagarde ra tranh cử ghế Thị trưởng và Phó Thị trưởng.

Tiền không phải là lý do chính dẫn tới việc có nhiều thành viên Nội các muốn tranh cử ghế Thị trưởng. Truyền thống chính trị Pháp cho thấy, quan chức Chính phủ - vị trí được bổ nhiệm - cần có trong hành trang ít nhất một chức vụ được bầu chọn.

Cựu Thủ tướng Doninique de Villepin từng bị loại khỏi cuộc đua tới ghế Tổng thống vì chưa từng đảm nhiệm chức vụ nào thông qua bầu cử. Theo Văn phòng Thủ tướng, một Bộ trưởng có thể nhận mức lương tới 38.000 USD/năm.

Trong khi đó, ngoại trừ Thị trưởng ở thành phố lớn, còn lại hầu hết làm bán thời gian và không có mức lương cao.

Nền chính trị đặc trưng kiểu Pháp

Pháp hiện là nước đứng đầu châu Âu về số lượng chính trị gia kiêm nhiệm thêm các chức vụ khác trên chính trường. Khoảng 85% Nghị sĩ Pháp đảm nhiệm chức vụ thứ 2 thông qua bầu cử, so với mức dưới 20% ở Italia, Anh và Đức.

Thành viên Nội các cũng được phép tranh cử vào Quốc hội, nhưng sau đó phải từ bỏ ghế nghị sĩ nếu thắng cử. Tuy nhiên, một số Bộ trưởng thất bại trong cuộc chạy đua vào Quốc hội sau đó đã phải từ bỏ vị trí trong Chính phủ.

“Khi bạn bị đánh bại có nghĩa là không có được sự ủng hộ của người dân”, Thủ tướng Fillon giải thích. Trong một nền chính trị đặc trưng kiểu Pháp, dù khá cởi mở, nhưng cũng có những điều cấm như thành viên Nội các không được phép làm Phó Chủ tịch Quốc hội...

T.Đ
Tổng hợp

MỚI - NÓNG