Hãng Lenta, ngày 7/1, dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron, cho biết, Paris thực sự quan ngại “về tác dụng phụ” của lệnh trừng phạt đối với nước Moscow, mà theo Emmanuel Macron “đang ảnh hưởng trực tiếp doanh nghiệp châu Âu”.
Theo Bộ trưởng Emmanuel Macron, châu Âu nên “có chung trách nhiệm” nhằm duy trì sức ép đối với Moscow liên quan các sự kiện chính trị ở Ukraine, cũng như sự sáp nhập của Crimea vào Nga.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp khẳng định: "Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu không thể được nới lỏng hay dỡ bỏ mà không có sự thay đổi từ phía Nga".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Pháp cũng tin rằng, việc dỡ bỏ hoặc giảm nhẹ lệnh trừng phạt rất có thể không thay đổi được vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hôm 5/1, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, chưa cần thiết đưa ra các lệnh trừng phạt bổ sung đối với nước Nga sau khi nhận thấy những chuyển động tích cực xung quanh tình hình chính trị tại Ukraine.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cũng khẳng định, Berlin sẽ chống lại một lệnh trừng phạt mới lên Moscow.
Kể từ tháng 3/2014, các Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Những biện pháp này bao gồm phong tỏa tài sản của một số công ty Nga, doanh nhân, hạn chế tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, cũng như từ chối cấp thị thực cho một số quan chức Nga.
Đối phó các biện pháp trừng phạt trên, Nga đã ngay lập tức áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm từ các quốc gia nêu trên.