Pháo sáng và ý thức ở sân Lạch Tray

0:00 / 0:00
0:00
TPO - CLB Hà Nội vừa vô địch giải giao hữu Tứ hùng tổ chức tại Hải Phòng, nhưng sự chú ý của dư luận lại dồn vào hình ảnh pháo sáng đốt tưng bừng trên khán đài sân vận động Lạch Tray trong trận đấu giữa đội này với chủ nhà Hải Phòng.
Pháo sáng và ý thức ở sân Lạch Tray ảnh 1

Pháo được CĐV đốt vô tội vạ, đỏ rực cả khán đài dưới sự chứng kiến của cả quan chức thành phố Hải Phòng và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Trận đấu có lúc phải dừng lại tới 5 phút do tình trạng pháo sáng gây khói mù mịt che lấp sân. Trên mạng xã hội, đã có CĐV nói cảm thấy bị tức ngực khi ngồi sân theo dõi trận đấu.

Đốt pháo sáng là hành vi bị cấm ở các sân bóng, cả Việt Nam và trên thế giới. Trong ngày khai mạc, khán đài sân vận động Lạch Tray có sự hiện diện của nhiều quan chức như Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, bầu Đức-nguyên Phó chủ tịch VFF, hay cả HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang-seo. Tuy nhiên, dư luận vẫn nhìn thấy cảnh Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Văn Trần Hoàn tự tay đốt pháo sáng, giống như cách ông từng làm khi đang là một CĐV.

Liệu có mỉa mai hay không khi ông Hoàn mặc áo đỏ Việt Nam sau lưng để đốt pháo sáng, trong khi cách đây chưa lâu VFF vừa phải nộp cả tỉ đồng tiền AFC phạt Việt Nam vì để xảy ra tình trạng CĐV đốt pháo sáng ở trận đấu của đội tuyển Việt Nam? Và cũng cách đây chưa lâu trong lễ bàn giao đội bóng cho ông Văn Trần Hoàn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam đã đề cập tới thành tích yếu kém của đội bóng, cùng những hành vi gây xấu hình ảnh địa phương do CĐV gây ra ở V-League, trong đó có việc đốt pháo sáng.

Pháo sáng và ý thức ở sân Lạch Tray ảnh 2

Chủ tịch Văn Trần Hoàn trước đây là một CĐV gắn với các hoạt động đốt pháo sáng đang truyền tải thông điệp gì với các quan khách trên khu vực VIP?

Năm 2019, 1 nữ CĐV đã bị thương nặng vì trúng pháo vào đùi khi ngồi trên khán đài sân Hàng Đẫy. Người gây ra hành vi trên, một CĐV Nam Định, đã bị tuyên phạt 4 năm tù. Đó là cái giá quá nghiệt ngã cho một phút bốc đồng trên khán đài.

Có thể Hải Phòng cho rằng giải giao hữu không thuộc VFF, VPF quản lý nên muốn làm gì cũng được, nhưng Lạch Tray không phải tài sản riêng của đội bóng này cũng như ông Văn Trần Hoàn. Cần đặt câu hỏi ai đã cho phép Hải Phòng tổ chức giải đấu, gây ra hình ảnh phản cảm, có nguy cơ mất an toàn như vậy. Khi trao đội bóng cho ông Văn Trần Hoàn, UBND thành phố đã nâng tiền ngân sách hỗ trợ đội hàng năm lên thêm 10 tỷ (50 tỷ/năm), đồng thời nâng gấp đôi dự toán chi sửa chữa sân Lạch Tray (hơn 60 tỷ đồng). Đó là sự ưu ái đặc biệt dành cho đội bóng khi “sang tay” ông Văn Trần Hoàn.

Một câu hỏi đặt ra là ngoài việc “bơm” thêm tiền ngân sách, lãnh đạo thành phố Hải Phòng có thực hiện việc giám sát đối với hoạt động của đội bóng hay không. Suy cho cùng, tiền ngân sách là tiền của nhân dân. Có hay không lợi ích nhóm, và ai đang dung túng cho CLB bóng đá Hải Phòng gây nên những hình ảnh phản cảm tại Lạch Tray nhưng không bị nhắc nhở?

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.