'Pháo đài' nợ xấu

TP - Tối cuối tuần vừa rồi, gia đình chị Thảo (ở khu phố 4, phường Tây Thuận Tây, quận 7, TPHCM) dắt nhau đến Trung tâm thương mại Thiên Sơn Plaza nằm ở khu vực trung tâm đô thị mới Phú Mỹ Hưng cách nhà không xa, để mua sắm.

> Đại gia huy động hàng chục tỷ đồng rồi… xuất cảnh

Đến nơi mới hay, các cửa hàng bán đồ nội thất ở tầng trệt đã đóng cửa. Định lên tầng một vào siêu thị mua ít hàng hóa, chị Phương bị bảo vệ ngăn lại cùng lời thông báo: “Siêu thị đã dẹp”.

Cả một trung tâm thương mại bề thế mấy tầng lầu, giờ chỉ còn mỗi vài cửa hàng ăn uống và phòng tập thể hình hoạt động, phần còn lại cửa đóng then cài, tối om om.

Dọc trên những ngả đường, góc phố của TPHCM không khó bắt gặp cảnh đìu hiu như vậy. Nhiều trung tâm thương mại, tòa cao ốc văn phòng tráng lệ đều treo dòng chữ: “Cho thuê mặt bằng”.

Nhiều dự án căn hộ đã xây xong nhưng đóng cửa để đó vì không có người mua; trong khi nhiều dự án khác còn dang dở cũng để cỏ mọc vì chủ đầu tư đã cạn kiệt tài chính… Điều đó cũng bình thường bởi nền kinh tế đang rơi vào vòng xoáy suy thoái, sức mua sút giảm mạnh...

Nhưng, sẽ là không bình thường, nếu những dự án dở dang, những trung tâm thương mại và các cao ốc văn vòng “bỏ hoang” ấy lại là những “pháo đài” kiên cố cho nợ xấu trú ẩn.

Số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản vừa công bố cho thấy triển vọng chuyển động của thị trường bất động sản là rất mong manh. Riêng các trung tâm thương mại cho thuê tại TPHCM, diện tích trống vẫn rất lớn, khoảng 82.000m2.

Không những khó khăn trong việc lấp đầy diện tích trống, các trung tâm thương mại hiện còn chịu áp lực lớn từ nguồn cung mới. Theo thống kê, từ nay đến 2015, thị trường mặt bằng bán lẻ TPHCM sẽ có thêm khoảng 770.000 m2 từ các dự án như Eden A, Saigon One Tower, Sunrise City, Kenton Residences…

Trong khi đó, nói như ông Trương Văn Phước - TGĐ Ngân hàng xuất nhập khẩu (Eximbank): “Chừng nào thị trường bất động sản chuyển động thì lúc đó quá trình xử lý nợ xấu mới chuyển động”.

Điều đó cho thấy, khả năng tẩy rửa, thải loại nợ xấu từ các dự án bất động sản là khó và mất nhiều thời gian bởi những “căn hầm trú ẩn” của nợ xấu còn rất kiên cố.

Song, theo các chuyên gia, không phải không có cách để đẩy nợ xấu khỏi nơi trú ẩn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, điều kiện tiên quyết là cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều phải biết và cùng “chấp nhận thương đau”, tức là mỗi bên phải chịu một phần mất mát.

Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản phải hạ giá bán, giá cho thuê xuống mức sâu hơn, thậm chí chấp nhận lỗ để giải phóng hàng tồn kho. Đồng thời, ngân hàng phải hạ lãi suất xuống mức cần thiết, để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay đáo hạn, đầu tư mới.

“Nếu cả ngân hàng và doanh nghiệp đều cố thủ như hiện nay thì bế tắc không biết đến bao giờ mới giải tỏa”- một chuyên gia nói.

Theo Báo giấy