Phản ứng của thế giới trước vụ ám sát bà Bhutto

Phản ứng của thế giới trước vụ ám sát bà Bhutto
TPO - Ngay sau khi bà Bhutto bị ám sát, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã lập tức lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình Pakistan sau vụ việc nghiêm trọng trên.
Phản ứng của thế giới trước vụ ám sát bà Bhutto ảnh 1
Bà Bhutto

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua việc lên án vụ đánh bom liều chết khiến bà Bhutto thiệt mạng.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi “tất cả người dân Pakistan cùng nhau đoàn kết vì hòa bình và thống nhất quốc gia.

Trưởng ban chính sách đối ngoại EU Javier Solana cho rằng vụ tấn công này “rõ ràng nhằm làm mất ổn định tại Pakistan”. Ông Solana mong muốn người dân Pakistan cần kiểm chế để tránh bạo lực, xung đột.

Tại Vatican, người phát ngôn Vatican Federico Lombardi cho biết, Giáo hoàng Benedict XVI ngay lập tức đã được thông báo về “tin tức khủng khiếp”.

“Không thể nhìn thấy những tín hiệu hòa bình trong một khu vực bị dày vò như vậy” - ông Lombardi nói.

Tại Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết, bà Bhutto là nhân vật không thể thay thế; bà Bhutto đã đấu tranh để cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan.

“Tôi vô cùng choáng váng khi nghe tin vụ ám sát tàn ác. Bà Bhutto qua đời, Pakistan mất đi một lãnh đạo nổi bật - người đã hoạt động vì dân chủ và hòa giải cho đất nước của bà” - Thủ tướng Singh nói.

Tại Texas, Mỹ, Tổng thống Mỹ G.Bush đòi hỏi những kẻ tiến hành ám sát bà Bhutto phải bị bắt và đưa ra công lý.

“Mỹ lên án mạnh mẽ hành động hèn nhát của những kẻ cực đoan giết người. Chúng đang cố hủy hoại nền dân chủ Pakistan. Chúng tôi đứng bên người dân Pakistan trong cuộc chiến của họ chống lại lực lượng khủng bố và cực đoan” - Tổng thống Bush nói với các phóng viên từ trang trại tại Crawford.

Tổng thống Bush đã có cuộc điện đàm ngắn với Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf. Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà trắng Scott Stanzel nói rằng ông không có những thông tin chi tiết về việc này.

Tại Nga, trong một tuyên bố gửi tới Tổng thống Pakistan Musharraf, Tổng thống Nga V.Putin bày tỏ : “Khủng bố đang gây ra những thách thức không chỉ tại Pakistan mà còn cho cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hy vọng những kẻ tổ chức vụ ám sát này sẽ bị phát hiện và bị trừng phạt thích đáng”.

“Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc của tôi tới bè bạn và thân nhân của những người thiệt mạng trong vụ đánh bom cảm tử. Tôi hy vọng những người bị thương sẽ nhanh chóng bình phục” - Tổng thống Putin phát biểu.

Tại Anh, Thủ tướng Anh Gordon Brown nói rằng, bà Bhutto chịu mọi rủi ro trong nỗ lực giành lấy dân chủ tại Pakistan. Bà Bhutto đã bị ám sát bởi “những kẻ hèn nhát lo sợ dân chủ”

“Những kẻ khủng bố không được phép giết chết sự dân chủ ở Pakistan.Sự tàn bạo này làm tăng quyết tâm của chúng ta không cho bọn khủng bố chiến thắng ở đây cũng như bất cứ nơi nào trên thế giới” - Thủ tướng Brown khẳng định.

Tại Kabul, Afghanistan, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai - người vừa gặp bà Bhutto sớm thứ năm tại Islamabad nói rằng, ông “vô cùng đau đớn” trước sự ra đi của bà Bhutto - “một người con dũng cảm của thế giới Hồi giáo”.

“Bà đã hy sinh cả cuộc đời cho lợi ích của Pakistan và cho lợi ích của cả khu vực. Trong cuộc gặp sáng nay, tôi cảm nhận từ bà rất nhiều tình cảm và ước muốn cho hòa bình tại Afghanistan, cho sự thịnh vượng tại Afghanistan và Pakistan” - Tổng thống Karzai phát biểu.

Từ Pháp, trong một bức thư gửi tới Tổng thống Pakistan Musharraf, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gọi vụ tấn công nhằm vào bà Bhutto là “hành động ghê tởm” và cho biết, “chủ nghĩa khủng bố và bạo lực không có chỗ cho cuộc tranh luận dân chủ và cuộc đấu tranh về tư tưởng”

Lãnh đạo các nước Đức, Chile, Ý…cũng đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình trước hành động ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Bhutto của những kẻ cực đoan.

Huy Linh
Tổng hợp

MỚI - NÓNG