Phan Quang với 'Nghìn lẻ một đêm'

TP - Tập truyện dân gian đồ sộ và nổi tiếng của Ả Rập đã gây mê nhà báo, dịch giả Phan Quang từ khi ông còn rất trẻ. Chính niềm đam mê “Nghìn lẻ một đêm” đã thôi thúc ông dịch tác phẩm ra tiếng Việt, để mang đến câu thần chú “Vừng ơi, mở ra” dẫn độc giả Việt khám phá một thế giới ly kỳ, hấp dẫn… Dịch giả bật mí, “Nghìn lẻ một đêm” vừa tái bản lần thứ 41.
Tập truyện cổ “Nghìn lẻ một đêm” tái bản lần thứ 41

Cũng như nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khác, trên thị trường sách ở ta, “Nghìn lẻ một đêm” không chỉ tồn tại một bản dịch của Phan Quang. Nhưng có những bản dịch không bán được còn “Nghìn lẻ một đêm” do Phan Quang dịch đã tái bản lần thứ 41.

Cầm trên tay hai tập “Nghìn lẻ một đêm” do Cty Đinh Tỵ- NXB Văn học ấn hành, nhà văn Ngô Thảo, người đưa tôi đến thăm Phan Quang, đã nói: “Không đọc “Nghìn lẻ một đêm” là thiệt thòi lớn. Nó mang đến cho ta bao nhiêu cảm giác sung sướng, lâng lâng, mơ mộng”.

Từng được trả công đánh máy

Phan Quang bật mí: Từ hồi trẻ con ông đã thích “Nghìn lẻ một đêm”. Năm 1973, ông ký hợp đồng với NXB Văn học để dịch tác phẩm này. Đến năm 1981, “Nghìn lẻ một đêm” được in lần đầu. Ngay trong lần đợt in đầu tiên, 3 vạn bản đã hết veo nên được tái bản, lại tiếp tục bán hết.

“Hồi đó, phải in máy dập. Muốn thế, phải làm khuôn in ra giấy mềm, phải xếp chữ, nếu in vào chữ gốc thì nó mòn. Sau khi xếp chữ xong sẽ làm ra bản đúc bằng chì. Bản đúc bằng chì ấy chỉ in được 1.000 bản thì đẹp, 2.000 bản thì mòn, phải làm bản mới. Tập 2 “Nghìn lẻ một đêm” phải chuyển đến nhà in báo Nhân Dân. Vì bên đó được Đức viện trợ cho 2 cái máy chạy vòng tròn, một giờ in được 3 vạn bản, nếu chạy hết tốc lực, giấy tốt thì được 5 vạn bản. Nhưng Nhà in báo Nhân Dân có kinh nghiệm làm báo song ngại đóng sách, xén sách… làm xong tập này họ không làm nữa. “Nghìn lẻ một đêm” phải đưa vào miền Nam in”, dịch giả kể.

Khi vào miền Nam, “Nghìn lẻ một đêm” được in nhiều, với số lượng lớn. Nhưng dịch giả không được hưởng lợi bao nhiêu. Ông giải thích: “Ngày trước, tác giả sách chỉ được lĩnh nhuận bút lần đầu, lần thứ hai được hưởng 5 phần trăm (của giá bìa nhân với lượng sách phát hành- PV). Từ lần tái bản thứ 3, không có nhuận bút”. 

Nhân nói đến nhuận bút “Nghìn lẻ một đêm”, dịch giả Phan Quang nhớ kỷ niệm vui: “Nghìn lẻ một đêm in 4 tập, bán chạy như thế, lãi nhiều quá. Hồi đó, mấy ông nhà văn cũng tử tế. Ông Lữ Huy Nguyên làm Giám đốc NXB Văn học (giai đoạn1988-1998- PV), ông Hoàng Thúy Toàn là Phó Giám đốc, phụ trách mảng sách dịch. Một hôm, các ông ấy nhắn: Đến nhận nhuận bút. Nhuận bút thì mình nhận rồi, tại sao lại có nhuận bút nữa? Nhưng khi đến nơi các ông ấy nói: Chúng tôi cứ suy nghĩ mãi, là sách lãi nhiều, mà nhuận bút của anh thì ít quá. Nên vừa rồi tôi gửi nhuận bút là trả công anh đánh máy tất cả bản thảo, không phải sửa chút nào, nhà xuất bản không phải thuê đánh máy lại”.

Đến nay, nhà báo, dịch giả Phan Quang vẫn giữ biên lai của NXB Văn học năm ấy, trong biên lai ghi rõ: Trả Phan Quang tiền công đánh máy. Dịch giả cười: “Lãnh đạo NXB Văn học hồi ấy cũng biết điều, vì chính sách tài chính rất chặt, nên không có cách nào để trả thêm nhuận bút, đành phải lách bằng cách trả công đánh máy cho tôi”.

Nói về “tài” đánh máy chữ, dịch giả cho biết: Ông biết đánh máy chữ từ rất sớm. Nhờ khả năng tự đánh máy chữ nên ông trực tiếp gõ bản thảo: “Tôi có kinh nghiệm đánh hai bản, để một bản lưu. Trang nào sửa nhiều thì đánh máy lại, còn không thì để thế cho đỡ mất công đánh máy. Chính cái bản tôi đánh máy trực tiếp rồi đưa cho nhà xuất bản thì sau đó được trả tiền công. Bản đó không phải sửa đi sửa lại gì cả, vì khi ấy tôi ở trong trạng thái rất thăng hoa, bị cuốn vào những câu chuyện kì diệu ấy”.

“Nghìn lẻ một đêm” từng bị “đánh cắp”.

Bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” của Phan Quang từng bị đánh cắp. Người đánh cắp từng đến tận nhà riêng của dịch giả để xin lỗi. Đánh cắp bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” là một hành động dại dột, bởi dễ bị lộ. Theo nhà phê bình văn học Ngô Thảo, “Nghìn lẻ một đêm”, bản dịch Phan Quang, có ưu điểm: “Rất Việt Nam”. Vì Phan Quang chủ định làm điều này: “Một từ tiếng Pháp mình dịch ra 3 từ Việt Nam khác nhau. Chính vì thế khi đạo văn, người ta chép lại nguyên bản, bị lộ ngay. Không thể cùng một từ hai người dịch đều cảm nhận giống nhau như vậy”.

Tôi hỏi Phan Quang, cho đến nay đã có ai “nhặt sạn” bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” của ông chưa? Dịch giả đáp: “Không phải có ý huênh hoang rằng tôi dịch ổn hoàn toàn. Hiện nay vẫn chưa ai vạch ra lỗi nào. Song nếu có thời gian ngồi sửa lại, chắc tôi phải chỉnh lý một số vì trình độ mỗi giai đoạn mỗi khác”. Sở dĩ “Nghìn lẻ một đêm” không bị “nhặt sạn” vì Phan Quang nghiên cứu văn minh Ả Rập rất sâu. Quá trình dịch “Nghìn lẻ một đêm” ông đã tích lũy đủ tài liệu  để hoàn thành cuốn “Nghìn lẻ một đêm và Văn minh Ả Rập”. Cuốn này được NXB Kim Đồng in lần đầu. Ngay mấy tháng sau đã được tái bản, bán rất chạy.

Ở tuổi 92, Phan Quang vẫn đọc mỗi ngày: “Vừa rồi tôi mới phát hiện ra một cái sai của mình, nhân đọc một tạp chí mới của Pháp. Nên sách tái bản tôi yêu cầu sửa ngay lỗi ấy”.