Phận người sau đại hồng thủy

Phận người sau đại hồng thủy
TP - Nước lũ tràn qua ruộng đồng, nhấn chìm làng mạc, cảnh nghèo đói của hàng vạn dân vốn quanh năm cần mẫn cày cuốc lại càng bi thảm hơn. Những cảnh đời, phận người sau trận đại hồng thủy lịch sử ở miền sơn cước Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) …

> Báo cáo mới nhất: Hơn 5.200 người chết do bão Haiyan
> Ngư dân Philippines lại ra khơi sau bão Haiyan

Nhìn mẹ chết mà không thể cứu

Mấy ngày sau lũ, con đường vào nhà cụ bà Nguyễn Thị Tuyết (88 tuổi) ở thôn Long Bàn Bắc (xã Hành Minh, Nghĩa Hành) vẫn lầy lội bùn đất. Chồng mất sớm, hai con gái đầu đi lấy chồng xa, bà Tuyết cặm cụi một mình nuôi anh con trai út bị bệnh down từ nhỏ. Sinh hoạt hàng ngày của anh Võ Đình Ngọc (SN 1968) vẫn phải nhờ người khác.

 Bà Nguyễn Thị Minh nhặt nhạnh những gì còn dùng được
Bà Nguyễn Thị Minh nhặt nhạnh những gì còn dùng được.

Đêm 15/11, nước ào lên, ngập ngang thềm nhà, bà Tuyết giúp con trai trèo lên gác mái, còn bà cặm cụi khuân mấy thứ đồ có giá trị lên sau. Tới 11 giờ đêm, nước ngập quá đầu người, bà mới dùng chiếc thang tre trèo lên trú tránh. Đã mấy tiếng đồng hồ ngâm nước trong đói rét, bà run chân trượt té. Thân già vẫy vùng trong nước được mấy phút thì bà ra đi.

Chị Võ Thị Minh Hiến – con gái đầu bà Tuyết, mắt đỏ hoe: “Chẳng ai ngờ nước lên nhanh thế. Tui ở Sài Gòn, linh cảm thấy điều chẳng lành nên cứ gọi điện về cho vợ chồng đứa em gái, bảo phải thường xuyên để ý đến mẹ và em trai. Nhưng chẳng ngờ được”. Anh Phạm Văn Bảy – chồng chị Võ Thị Trị, là con gái thứ của bà Tuyết, ân hận: “Nếu tui cương quyết hơn, bắt mẹ phải xuống nhà vợ chồng tui thì không xảy ra chuyện”.

Nhà anh Bảy và chị Trị ở xóm Cù Lao, cách khoảng 5km, ven bờ sông Vệ, cũng chẳng khá gì, nước ngập ngang mái. Anh Bảy kể, chiều 15/11, anh cố gắng gọi điện cho một người hàng xóm của bà Tuyết, nhờ để ý giùm. Đến khoảng 6 giờ chiều, anh gọi thêm một cuộc nữa, thấy vẫn ổn.

Đến 11 giờ đêm, lòng như lửa đốt, bởi nhà anh bị nước bao vây, như có linh cảm xấu, anh gọi cho người hàng xóm thêm một lần nữa. Anh Diệp, hàng xóm của bà Tuyết, kể trong bàng hoàng: “Khoảng gần 11 giờ, tui nghe tiếng anh Ngọc ú ớ bên nhà. Biết ngay có chuyện chẳng lành liền bơi sang. Lúc này, nước chảy xiết, tui cố gắng lặn xuống dưới, bơi qua cửa, thấy anh Ngọc đang co ro ngồi trên gác mái, hoảng loạn chỉ trỏ xuống dưới”.

Đã qua 40 tuổi nhưng khi ăn uống, anh Ngọc vẫn phải nhờ người bón
Đã qua 40 tuổi nhưng khi ăn uống, anh Ngọc vẫn phải nhờ người bón.

Dẫu rất cố gắng, nhưng anh Diệp không thể làm gì hơn là bơi quay trở lại nhà, bởi nước dâng tứ bề trong đêm tối mịt mùng, anh mà đuối sức thì cũng đi theo bà Tuyết. Phải tận 6 giờ sáng hôm sau, hàng xóm dùng ghe chèo sang nhà, xác bà Tuyết nổi lập lờ ngay trong căn nhà tạm, còn anh Ngọc như mất hồn, ú ớ nhìn xác mẹ.

Đám tang mẹ già đã xong, chị Võ Thị Trị buồn bã: cậu Ngọc không ở được với ai hết, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên mẹ thôi. Mấy chục năm nay rồi, hai mẹ con sống với nhau. Anh Ngọc đang được chị Trị xúc cho từng thìa cháo, ngước đôi mắt vô hồn nhìn khách lạ. Anh không bình thường và trí não chỉ bằng đứa trẻ lên 5.

Chị Võ Thị Minh Hiến, nhớ lại: Mẹ tui lớn tuổi rồi nhưng vẫn còn khỏe lắm. Làm việc gì cũng băng băng nên bọn tui yên tâm. Chỉ bởi nước lũ lên nhanh quá, không ai kịp trở tay nên chẳng ai đề phòng. Căn nhà bà Tuyết chơ vơ giữa một bãi đất sình lầy, bây giờ chỉ một người sinh sống. Hơn 40 tuổi, nhưng anh Ngọc vẫn phải cần ít nhất 1 người chăm sóc. Tương lai quá mịt mù.

“Phiên bản chị Dậu” bìa rừng Suối Chí

Mẹ con chị Nguyễn Thị Vân trước căn lều tối om bên bìa rừng
Mẹ con chị Nguyễn Thị Vân trước căn lều tối om bên bìa rừng.
 

Tận 8 giờ tối, chúng tôi mới vượt qua được những con đường ngập bùn ngang nửa bánh xe, những điểm sạt lở trên Quốc lộ 624. Thôn Khánh Giang (Hành Tín Đông) hoang tàn sau lũ quét. Trưởng thôn Bùi Thanh Tấn nhất quyết dẫn tôi vượt suối đến bìa rừng Suối Chí, khẩn khoản: Nhà báo phải đến thăm mẹ con nhà này, cả thôn Khánh Giang cám cảnh, nhưng ở đây ai cũng nghèo, chẳng biết giúp đỡ gì được.

Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Vân đang ngồi trên mấy tấm tôn cũ nát trước căn lều bằng bạt được che tạm. Ba mẹ con chị Vân sống trong căn nhà dựng bên suối, sống biệt lập với xóm giềng này là kết quả của một cuộc tình cay đắng.

Trưởng thôn Tấn kể: “Thôn Khánh Giang nằm trên cùng của xã Hành Tín Đông, không bị lũ bùn, nhưng gặp họa lũ quét. Cả ngày 15/11, nước xối ào ạt qua làng, người dân chỉ còn biết trèo lên nóc nhà giữ mạng. Bao nhiêu trâu bò của nả trôi hết”.

Nhà chị Vân nằm bên bìa rừng, sập ngay trong cơn nước cuốn đầu tiên. May mắn, hai mẹ con đã qua nhà hàng xóm trong làng lánh nạn. Khi trở về, lũ đã quét sạch tất thảy, chừa lại mấy tấm tôn và một chiếc giường. Người làng thương tình quây cho ba mẹ con một túp lều bằng bạt, bấu víu qua ngày.

Chị Vân mới ngoài ba mươi, mệt mỏi bởi một nách hai con bơi giữa dòng đời. Khi 16 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Vân xinh xắn sớm ngả theo anh trai làng sống nghề lâm tặc, tiền tiêu như nước. Không đủ tuổi kết hôn, cứ thế về sống với nhau, mãi đến năm 24 tuổi có con đầu lòng.

Ba năm trước, Vân sinh cháu trai thứ 2 cũng là lúc chồng bỏ đi biệt không tin tức. Ba mẹ con ngày ngày rau cháo nuôi nhau, lay lắt lớn lên bên bìa rừng Suối Chí. Chị Vân ngước đối mắt mệt mỏi, run run nhận suất quà từ PV báo Tiền Phong, nghẹn giọng: Thủa nhỏ em được đi học, thầy cô giảng cho bài văn về chị Dậu. Ai ngờ, đời em sau này còn khổ hơn cả chị Dậu.

Bé gái đầu 7 tuổi Nguyễn Thị Kim Yến mới học lớp 1 đã phải bỏ ngay vì không tiền. Những ngày sau lũ, bé phải đi làm giúp mấy người trong xóm để có cơm ăn. Nhà trôi, túp lều tối om, tiếng nước chảy róc rách bên con suối nhỏ, muỗi bay mù mịt dưới rừng Suối Chí. Hơn 8 giờ tối, chị Vân và đứa con trai nhỏ Nguyễn Chính Huy vẫn chưa có gì vào bụng.

“Cả ngày nay em mới ăn có một lần. Xin cơm hàng xóm nhưng phải để dành cho con trai”. Nhắc đến người chồng, chị Vân gọi bằng “nó”, giọng đầy cay nghiệt: “Nó bỏ đi không một lời từ biệt, không hỏi han, quan tâm đến con cái. Sống với nhau không hôn thú, đành nuốt cay đắng, gắng gượng làm thuê nuôi con qua ngày. Biết thế ngày xưa đã không nghe lời dụ dỗ rồi tính chuyện vợ chồng khi còn trẻ con”.

Phòng Chủ tịch xã Hành Tín Tây vắng lặng, rung từng hồi trong mưa trắng xóa, vẻ mặt của ông chủ tịch Nguyễn Minh Tâm khắc khổ: “Người dân nơi đây không bao giờ quên trận lũ năm 1999, nước dâng mênh mông. Giờ cảnh tượng ấy lặp lại với mức độ còn khủng khiếp hơn nữa”.

Sinh ra và lớn lên ở Hành Tín Tây cho đến bây giờ, rừng núi, phong thổ thế nào ông Nguyễn Minh Tâm - chủ tịch xã - quá rành rẽ. Ông bảo, con người đang trả giá cho sự tàn phá thiên nhiên. Phá rừng tàn khốc, thủy điện chằng chịt… Chỉ có điều, kẻ phá rừng, người làm thủy điện thì an toàn và giàu lên, còn lãnh nhận hậu quả chỉ có thể là dân nghèo.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.