Gợi nét văn hóa Sài Gòn
Trước năm 1975, ở Sài Gòn đã duy trì đều đặn tuyến tàu ra ngoại ô, đưa khách từ trung tâm Sài Gòn ra Thủ Đức, với khoảng cách chưa tới vài chục cây số. Những chuyến tàu giúp cho người dân, nhất là người dân nghèo có thể ra vào thành phố mà không tốn nhiều tiền, vận chuyển được nhiều đồ đạc hàng hóa. Chuyến tàu nổi tiếng tới mức nó gần như trở thành một sinh hoạt văn hóa của người dân Sài Gòn xưa.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư kể rằng: “Những dịp cuối tuần, tôi và nhạc sĩ Phạm Duy lên ga tàu, mua vé đi xuống Thủ Đức. Hai anh em lên tàu ngồi ở lan can, đưa giày ra quơ quơ vào đám cỏ dại. Tàu chạy chậm lắm. Nhiều người phát hiện ra nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy, bèn chạy tới quây lấy, hỏi han.
Ông Phạm Duy được dịp ra ngoại thành, tưởng không ai biết mình, nên ngồi xổm trên ghế gỗ ngắm cảnh, mua kẹo lạc bán dạo ăn nhồm nhoàm, thấy người ta kéo tới, ngại quá, nhưng cứ khoái ngồi xổm như thế, thấy mình được tự nhiên hơn khi trong phố xá”. Xuống Thủ Đức chơi, uống cà phê xong, anh em nhạc sĩ thi sĩ, lại mua vé tàu về Sài Gòn. Bài hát Chuyến tàu hoàng hôn - Sáng tác: Minh Kỳ & Hoài Linh, thì có những câu thổn thức: “Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ, Nhìn theo phía chân mây, đợi chuyến xe xưa về chưa”.
Trưa giữa tháng 6/2016, anh Quang ở quận Gò Vấp đưa vợ con ra ga Sài Gòn để mua vé đi chơi ngoại ô. Anh nói: “Mình vốn dân gốc Hà Nội, ông bà di cư vào Nam. Trước kia, rất thích đi tàu xuống Thủ Đức. Bây giờ các cháu đang nghỉ hè, tranh thủ cho các cháu đi tàu cho biết tàu hỏa thế nào”. Chuyến tàu đi từ ga Sài Gòn, có dừng ở ga Gò Vấp gần nhà anh, nhưng cả gia đình khăn gói xuống tận ga Sài Gòn mà đi, cho đầy đủ một chuyến hành trình ra với ngoại ô.
Sau sự kiện cầu Ghềnh ở Đồng Nai bị xà lan đâm sập, những chuyến tàu Nam Bắc từ ga Sài Gòn bị hủy hết. Chỉ còn lại những chuyến tàu chuyển tải khách từ Sài Gòn xuống ga Dĩ An tỉnh Bình Dương, để từ đó lại có xe 50 chỗ đón khách qua sông Đồng Nai, để lên tàu ra Bắc. Trong những chuyến tàu chuyển tải khách do sập cầu Ghềnh ấy, được dành một số toa cho khách đi du lịch ngoại thành. Một quầy bán vé có in chữ to: “Bán vé tour du lịch tàu ngoại ô cuối tuần”.
Khá đông khách mua vé. Người bán vé khá trẻ, đậm người nói: “Khách du lịch đi chơi suốt cả tuần” và bán cho tôi vé đi ga Dĩ An (Bình Dương) địa điểm gần sát với Thủ Đức, giá vé chỉ 20.000 đồng. Có khách mua cả nhà 6 vé và muốn mua vé khứ hồi vì sợ không có tàu quay về, nhưng nhân viên nhà ga bảo: “Cả nhà yên tâm, vài tiếng tàu lại lên, đến tận 8 giờ tối vẫn còn tàu, không cần mua vé khứ hồi đâu”. Khách yên tâm, vui vẻ kính mát, áo phông, mũ vải kéo nhau tung tăng lên tàu.
Những đứa trẻ đi du lịch ngắn
Chuyến tàu đón chúng tôi vào giữa trưa, khách tất bật lên con tàu không số toa để di chuyển xuống ga Sóng Thần, từ đó lên xe khách vượt cầu Ghềnh ra bến tàu tạm ngoài đó để ra Trung, ra Bắc. Trong không khí bận rộn ấy, lại thong dong những cô bé, cậu bé đi chơi ngoại thành và tất cả được mời lên mấy toa ở đầu đoàn tàu, trong đó có một toa hai tầng. Đón chúng tôi là một nhân viên toa đã làm việc khá lâu năm trên những tàu xuyên Việt. Anh nói: “Toa du lịch, không có số ghế, mọi người cứ chọn chỗ nào dễ ngắm cảnh nhất”.
Những toa tàu nom rất sạch sẽ, thoáng đãng, có máy điều hòa và nhân viên phục vụ đều trẻ trung. Hai nữ nhân viên quê ở Nam Định và ở Hà Tĩnh cho biết họ vừa chạy tàu từ Hà Nội vào hôm trước, hôm nay được cử đi phục vụ ở tàu đoạn ngắn. “Khách du lịch khá đông”- Huyền nói với chúng tôi - “Nếu nhiều điểm tham quan thì chắc người đi tàu du lịch sẽ ngày càng nhiều hơn”. Một chiếc xe đẩy thức uống và đồ ăn nhẹ với giá cả phải chăng phục vụ du khách, dù đoạn đường đi chỉ bằng một hiệp bóng đá, khoảng hơn 40 phút.
Từ ngày 26/6/2016 sẽ không còn bán vé du lịch bằng tàu hỏa ra ngoại thành?
Những người khách đi chơi ngoại thành nói với tôi: “Bây giờ các tàu đua nhau rút ngắn thời gian, chạy càng nhanh càng tốt, nên cắt giảm việc dừng lại ở các ga. Chúng tôi ở gần đường sắt đấy, nhưng tàu chạy qua suốt ngày đêm mà dừng ghé lại rất ít”. Vừa nói xong, tàu đã dừng ở ga Gò Vấp, ga Bình Triệu rồi. Một cậu bé lên tàu, vẻ rất phấn khích. Nhân viên nhà tàu tên Huyền hỏi: “Cháu mấy tuổi? Đi đâu?”.
Cậu bé đáp: “Cháu 12 tuổi rồi, cháu chỉ có 10 nghìn đồng thôi, nghe bạn bảo cứ lên tàu, xuống ga bạn cháu sẽ đón”. Cậu nhảy lò cò bảo: “Tàu của cháu đẹp quá”. Các cô chú bảo: “Tàu của các cô chú chứ, sao lại của cháu”. Cậu bé bảo: “Tàu ngày nào cũng chạy qua nhà cháu, mấy giờ, tàu gì, cháu thuộc hết. Nhưng lần này cháu mới được đi tàu”. Huyền bảo: “Đúng là cháu thuộc hết giờ tàu!” và bán vé 10.000 đồng, dặn: “lần sau nhớ cầm thẻ học sinh để được giảm giá”. Một nhân viên nhà tàu thấy cháu đi một mình, hỏi: “Nhỡ cháu đi lạc thì sao? Số điện thoại nhà cháu thế nào?”. Cậu bé nói: “Số cố định mẹ cháu bỏ lâu rồi. Chú yên tâm, vì bạn cháu đang ở ga chờ cháu rồi”.
Cháu Quyền, người thành phố, năm nay 13 tuổi cũng lần đầu tiên được đi tàu. Cháu luôn đeo khẩu trang, đem cả bánh mỳ đi theo ăn. Bố mẹ cháu nói: “Chúng tôi không đi xa bao giờ, nên các cháu chưa được đi tàu. Nghe nói ngành đường sắt có tàu du lịch đưa đón đoạn ngắn, phải đưa các cháu đi cho biết”. Các nhân viên đường sắt bảo: “Mỗi ngày có 5 - 6 chuyến tàu ra ngoại ô, cả nhà đừng lo, vui chơi rồi chiều tối 5 giờ đưa cháu lên ga mua vé về lại thành phố nhé”. Không hẹn mà gặp, chuyến tàu ra ngoại ô có hàng trăm cháu nhỏ lần đầu tiên được bố mẹ cho đi tàu, háo hức vui đùa khắp nơi, khiến ai đi tàu cũng ngắm nhìn.
Thất vọng chỗ chơi
Điều bất ngờ với chúng tôi, đó là khi tàu xuống đến ga cuối là ga Dĩ An, nghỉ lại chừng vài chục phút rồi con tàu quay về thành phố. Số khách đi “tham quan ngoại ô” rút cục đều mua vé để trở về thành phố cùng với đoàn tàu TN2. Chị Mỹ Kim, đưa con đi chơi bảo: “Tàu dừng ở ga Sóng Thần, Dĩ An, nhưng khu này toàn nhà máy công nghiệp, các cháu không có nơi nào chơi cả. Thôi, cho các cháu lên tàu chơi cho mát”.
Anh Quang cũng dẫn 5 người nhà đi ra nhìn quanh ga, ra ngoài con phố nhỏ, rồi cũng vào mua vé lên thành phố luôn. Anh Quang bảo: “Nếu sau này cầu Ghềnh sửa rồi, tàu dừng ở Cù Lao Phố, Đồng Nai thì nhiều điểm tham quan vui chơi hơn”. Khách chẳng biết đi đâu, vào xem trực ban trong ga thì được nhắc nhở “quý khách không chụp ảnh, vì nhân viên đang làm việc” thế là lại rồng rắn đi ra ngoài nhìn sân ga vắng vẻ chỉ toàn du khách với nhau.
Lần đầu đi tàu hỏa.
Tôi gặp lại Hạnh, người nhân viên nhà tàu những năm trước chạy tàu xuyên Việt, nay bán vé ở ga Sóng Thần. Hạnh đã có gia đình và đứa con trai 7 tuổi. Bán vé cho tôi về lại thành phố, Hạnh nói: “Người dân thích đi du lịch bằng tàu ngoại ô lắm. Mỗi chuyến tàu thế này, em bán khoảng 300 vé là bình thường. Ngày cuối tuần thì hàng ngàn khách xuống tới đây”. Tôi hỏi Hạnh xem quanh đây có điểm vui chơi nào, mua sắm nào không, để giới thiệu cho du khách. Hạnh cũng nói là: “Em quanh năm làm việc trong sân ga, ít đi chơi nên cũng không rành lắm. Việc này nếu các công ty du lịch tổ chức cho khách đi về thì tiện hơn”. Nhìn quanh sân ga Sóng Thần, không thấy dấu hiệu nào của các công ty du lịch. Hàng trăm các vị khách đi “du lịch ngoại ô”, rút cục, lại lên tàu trở về thành phố. Thời gian lưu lại của du khách ở ga Sóng Thần, ga cuối của tour du lịch ngoại thành… vỏn vẹn chỉ chừng 15 phút! Con tàu lại chở tất cả du khách cùng “khứ hồi” trở lại ga Sài Gòn.
_________
6/2016
Trao đổi với phóng viên chiều 16/6/2016, anh Đỗ Quang Văn - trưởng chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: “Cầu Ghềnh đã sửa chữa xong và theo kế hoạch chạy tàu, từ 0 giờ ngày 26/6/2016 các chuyến tàu Nam Bắc sẽ hoạt động bình thường trở lại. Cũng từ thời điểm đó thì các tàu chuyển tải khách từ Sài Gòn xuống cầu Ghềnh cũng ngừng hoạt động, do không cần thiết nữa. Đồng thời các tuyến du lịch ngoại ô bằng tàu lửa theo đó cũng dừng hoạt động. Kế hoạch của ngành sau này thế nào, chúng tôi chưa được biết”. Tiếp nhận thông tin nhu cầu khách đi tàu du lịch ngoại ô còn lớn, thậm chí có ngày lên tới 6.000 người, anh Đỗ Quang Văn nói: “Nếu người dân có nhu cầu đi tàu ra ngoại ô tham quan du lịch thì tôi tin rằng ngành đường sắt chúng tôi cũng sẽ xem xét để đáp ứng nhu cầu”.