Phân làn- một câu chuyện khác

Phân làn- một câu chuyện khác
TP - Tròn một năm Hà Nội tiến hành phân làn trên 5 tuyến phố: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng (đoạn Pháp Vân - Lê Duẩn), tuyến Phố Huế- Hàng Bài, Bà Triệu (đoạn Tràng Thi - Nguyễn Du).

> Hà Nội dự kiến chi gần 2.000 tỷ để giảm ùn tắc giao thông

Những tưởng với các mục tiêu khá khiêm tốn, những nhà tổ chức giao thông có thể đưa hoạt động giao thông trên các tuyến phố này vào trật tự. Tuy nhiên, đến nay những điều tưởng như đơn giản ấy lại chẳng thành hiện thực như mong đợi.

Trước hết về khả năng làm giảm tai nạn giao thông và khả năng thông xe trên các tuyến phân làn, cho dù chưa có thống kê, song chỉ tính những vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người phải nhập viện do công tác phân làn có thể đã nhiều hơn các vụ tai nạn giao thông trên các tuyến này trước đó.

Về tăng khả năng thông hành thì sao? Đúng là vào giờ thấp điểm dòng phương tiện có khả năng lưu thông tốt hơn, song vào giờ cao điểm các trục đường giao thông được phân làn lại trở thành mớ hỗn độn. Mục tiêu giảm ùn tắc giờ cao điểm dường như không đạt được.

Bên cạnh đó, mục tiêu tạo ý thức cho người tham gia giao thông nhoà theo hình bóng của những người mặc sắc phục trên tuyến đường phân làn.

Tệ hơn, việc đối phó với CSGT và TTGT trên những tuyến đường phân làn lâu ngày đã hình thành nên thói quen xấu cho người tham gia giao thông. Có cảnh sát thì đi đúng làn, không có cảnh sát thì lại "tuỳ nghi" .

Lâu dần, ý thức tham gia giao thông đó trở thành văn hoá xấu- tức sợ người thi hành công vụ mà không tự giác chấp hành luật.

Vì sao cả hai đối tượng chính đảm bảo sự thành công của việc phân làn lại chưa thực hiện bổn phận của mình một cách trách nhiệm nhất. Có lẽ tại đường và xe.

Một chiếc xe buýt dài gần 20 m có thể rẽ từ làn ô tô, cắt qua làn xe máy vào lề đường để đón khách. Làn xe máy toé ra như đàn kiến lấn cả sang làn ô tô.

CSGT cũng khó mà xử phạt. Hơn nữa, mặt đường của Hà Nội còn hạn chế, nhiều giao cắt, phố chủ yếu là nhà ống và hầu hết là dùng kinh doanh. Có lẽ vì thế mà việc tách làn mới chỉ dừng lại ở dạng tượng trưng?

Hàng chục tỷ đồng đầu tư cho việc phân làn, nhiều tâm sức của những người làm nhiệm vụ và hơn hết là sự chấp hành của hàng triệu người dân thành phố một năm qua đã đem lại kết quả gì?

Những dải phân cách xi măng, những cột biển báo cộng sắc phục của những người tổ chức giao thông đã tạo nên một khái niệm “phân làn”.

Có lẽ đó là thành công? Song, khái niệm đó thực sự tồn tại trong mỗi người tham gia giao thông hay không lại là câu chuyện khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG