Phản đối trưởng khoa,12 giảng viên Trường ĐH KHXH&NV nộp đơn nghỉ việc

0:00 / 0:00
0:00
Trường ĐH KHXH&NV TPHCM nơi xảy ra vụ việc
Trường ĐH KHXH&NV TPHCM nơi xảy ra vụ việc
TPO - Cho rằng trưởng khoa không đủ năng lực quản lý, việc bổ nhiệm trưởng khoa không đủ chuẩn, không đúng quy trình… một nhóm giảng viên khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), ĐHQG TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Trường giải quyết, thậm chí nộp đơn lên Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi Trường công bố kết luận thanh tra, nhóm này tiếp tục kiến nghị, đồng thời 12/18 giảng viên đã nộp đơn xin nghỉ việc…

12 giảng viên nộp đơn xin nghỉ việc đều là những người giỏi, trong đó có 1 phó trưởng khoa, 3 người là quyền trưởng bộ môn, 3 người là nguyên phó trưởng khoa cùng 5 giảng viên khác là các Tiến sĩ, Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ cơ hữu của khoa Hàn Quốc học.

Mâu thuẫn nội bộ kéo dài…

Phản ánh đến báo Tiền Phong ngày 3/3, nhóm giảng viên này cho biết, họ là những người đã gắn bó cùng khoa Hàn Quốc học – Trường ĐH KHXH&NV TPHCM nhiều năm qua; cùng xây dựng khoa Hàn Quốc học từ một Bộ môn trực thuộc khoa Đông phương thành đơn vị đào tạo Hàn Quốc học có vị thế cả trong và ngoài nước như hiện nay.

“Tuy nhiên, từ khi bà Nguyễn Thị Phương Mai về khoa Hàn Quốc học, bà Mai đã có cách xử lý công việc chuyên quyền, thiếu dân chủ, không đúng nguyên tắc, quy định cũng như thiếu năng lực trong quản lý như không lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của các giảng viên, không xem trọng công tác bảo đảm chất lượng của khoa, tuyển dụng giảng viên không đúng quy trình, thiếu tôn trọng giảng viên của khoa… khiến không khí làm việc trong khoa vô cùng ngột ngạt. Nhiều công việc, hoạt động của khoa bị đình trệ, không đảm bảo chất lượng mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ năng lực quản lý còn hạn chế, yếu kém, và việc bổ nhiệm “thần tốc””, nhóm giảng viên này trình bày trong đơn.

Nhóm giảng viên này cho biết, theo quy định tại Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường đại học thành viên và khoa trực thuộc ĐHQG TPHCM, tiêu chuẩn đối với trưởng khoa là phải có ít nhất 3 năm tham gia quản lý từ cấp khoa, phòng hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học; Có trình độ trung cấp lí luận chính trị - hành chính hoặc trung cấp lí luận chính trị và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lí nhà nước theo quy định.

“Thế nhưng, bà Mai về khoa từ năm 2016, đến năm 2018 đã được bổ nhiệm trưởng khoa, tính tới thời điểm bổ nhiệm bà Mai đã không đủ thâm niêm kinh nghiệm theo quy định đối với vị trí trên. Hơn nữa, bà Mai cũng không có bất kỳ chứng chỉ nào về lý luận chính trị hay bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước nào cả”, một giảng viên nói.

Bên cạnh đó, bà Mai còn đưa ra nhiều quy định bình chọn, đánh giá giảng viên cứng nhắc như đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; đơn phương quyết định thay đổi lịch họp định kỳ của khoa mà không báo trước…

Sau nhiều lần nhà trường tổ chức họp khoa và có cả hiệu trưởng tham dự nhưng sự việc không được xử lý thấu đáo, nhóm giảng viên này đã gửi đơn kiến nghị phản ánh lên Thanh tra Chính phủ. Ngày 19/10/2020, Thanh tra chính phủ gửi công văn số 2828/BTCDTW-XLĐ, chuyển đơn của tập thể giáo viên Khoa Hàn Quốc học đến Hiệu trưởng Nhà trường để xem xét, giải quyết, yêu cầu Nhà trường trả lời công dân theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến Thanh tra chính phủ.

Nhà trường kết luận gì?

Theo thông tin PV Tiền Phong có được, ngày 28/12/2020 Trường ĐH KHXH&NV TPHCM đã có kết luận nội dung kiến nghị, phản ánh đối với TS Nguyễn Thị Phương Mai, trưởng khoa Hàn Quốc học. Theo đó, nhà trường kết luận nhóm giảng viên này có 5/23 vấn đề phản ánh đúng; 7/23 vấn đề phản ánh đúng 1 phần và 11/23 vấn đề phản ánh sai. Đặc biệt, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM khẳng định không làm trái pháp luật khi bổ nhiệm trưởng khoa đối với bà Mai Phương.  

Tuy nhiên, kết luận của hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cũng nêu rõ: “Trưởng khoa Hàn Quốc học bà Phương Mai đã có những hạn chế nhất định trong quản lý chuyên môn, quản lý hành chính của khoa, cách ứng xử thiếu linh hoạt trong một số trường hợp dẫn đến bức xúc của nhiều giảng viên. Tuy nhiên, bà Mai không có vi phạm nghiêm trọng đến mức phải bãi nhiệm. Bà Mai bị đề nghị phê bình”.

Trong khi đó, với nhóm giảng viên kiến nghị, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM phê bình họ vì cho rằng nhà trường đã hướng dẫn việc gửi đơn kiến nghị, phản ánh đúng quy trình nhưng các giáo viên này đã gửi đơn vượt cấp, thể hiện sự thiếu tôn trọng tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín nhà trường…

Trao đổi với PV, nhóm giảng viên này cho biết họ rất buồn và không đồng ý với kết luận thanh tra của Tổ xác minh nên đã tiếp tục có những kiến nghị đến các cơ quan cấp cao hơn đó là Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Ngày 25/1, nhóm giảng viên gồm 12 người nộp đơn xin nghỉ việc tập thể, tuy nhiên nhà trường không chấp nhận mà yêu cầu chỉ nhận đơn của từng người. Ngay sau đó, 11 người đã làm đơn xin nghỉ việc, 1 người còn lại trong nhóm này đã chuyển sang công tác ở khoa khác.

Để làm rõ hơn sự việc, PV đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM và TS Nguyễn Thị Mai Phương, trưởng khoa Hàn Quốc học song không được. Liên lạc với một đại diện khác của nhà trường thì được biết sự việc đã được chuyển lên Thanh tra ĐHQG TPHCM và đang chờ kết quả thanh tra.

Được biết, khoa Hàn Quốc học Trường ĐH KHXH&NV TPHCM hiện có 24 cán bộ, trong đó có 18 giảng viên. Khoa có 1 trưởng khoa và 2 phó khoa. 12 giảng viên nộp đơn xin nghỉ việc đều là những người giỏi, trong đó có 1 phó trưởng khoa, 3 người là quyền trưởng bộ môn, 3 người là nguyên phó trưởng khoa cùng 5 giảng viên khác là các Tiến sĩ, Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ cơ hữu của khoa Hàn Quốc học.

Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin sự việc...

MỚI - NÓNG